Hội thảo "Mối quan hệ giữa Quốc hội và các thiết chế hiến định độc lập, nội dung kinh tế và chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992"

Thứ Hai, 07/10/2013, 10:24 [GMT+7]

Trong hai ngày 04 và 05-10-2013, tại Hòa Bình, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tổ chức Hội thảo “Mối quan hệ giữa Quốc hội và các thiết chế hiến định độc lập, nội dung kinh tế và chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường cung cấp và trao đổi thông tin lập pháp giữa các cơ quan của Quốc hội Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện các cơ quan của Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, đại biểu Quốc hội đến từ Bắc Ninh, Điện Biên, Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An, Vĩnh Phúc…, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam UNDP, tổ chức OXFAM.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Hội thảo tập trung thảo luận vào 04 chủ đề chính được quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm: các thiết chế hiến định độc lập (Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, cơ quan Kiểm toán Nhà nước); thành phần kinh tế; thu hồi đất và chính quyền địa phương. Các đại biểu đã trình bày và thảo luận các tham luận: Tổng quan về những điểm mới của dự thảo Hiến pháp năm 1992 tính đến ngày 30-9-2013; Báo cáo nghiên cứu về mối quan hệ giữa Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo nghiên cứu về mối quan hệ giữa Quốc hội và thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia; Báo cáo nghiên cứu về mối quan hệ giữa Quốc hội và thiết chế Hội đồng Hiến pháp; Nội dung kinh tế và đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Đất đai và nguyện vọng của người dân; Vấn đề chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Bình luận về nội dung chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kết quả nghiên cứu về quản lý chính quyền địa phương.

Tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng, để tăng cường kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng, cần hiến định và bảo đảm các thiết chế Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng bầu cử và Hội đồng Hiến pháp hoạt động một cách độc lập. Đặc biệt, nếu thành lập Hội đồng Hiến pháp, cần giao cho Hội đồng Hiến pháp thẩm quyền xem xét, kết luận tính hợp hiến của các văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Đối với chế định về thu hồi đất trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, một số đại biểu đã đề xuất thay đổi cơ chế “Nhà nước thu hồi đất” bằng cơ chế “chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc”. Theo đó, Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng khi người sử dụng đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp hoặc tự nguyện trả lại đất. Chỉ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng; không thu hồi đất cho những dự án chỉnh trang, phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung. Đối với các dự án chỉ vì lợi ích kinh tế của nhà đầu tư mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nên áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và những người đang sử dụng đất. Thu hồi đất cần đạt được 70% sự đồng thuận của cộng đồng người bị thu hồi đất.

Đối với chế định về chính quyền địa phương, cần phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương; tăng cường tính tự chủ của chính quyền địa phương gắn với đẩy mạnh cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nâng cao vai trò và vị thế của Hội đồng nhân dân; bảo đảm sự tách biệt giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan dân cử (cán bộ quản lý nhà nước không kiêm nhiệm là đại biểu dân cử); tuân thủ nguyên tắc ở đâu có cơ quan quản lý nhà nước thì ở đó cần thiết lập Hội đồng nhân dân. Tăng cường sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp trong xây dựng và giám sát chính quyền địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh 4 nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo là những nội dung trọng tâm, còn có ý kiến khác nhau. Việc giải quyết được những vướng mắc trong 4 nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong việc thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII; các đại biểu dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề liên quan, giúp cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu trước khi bấm nút thông qua dự thảo này.

Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.