Hội nghị về quản lý công tác thi hành án các tỉnh phía Bắc

Thứ Năm, 10/10/2013, 10:32 [GMT+7]

Sáng ngày 10-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị về quản lý công tác thi hành án (THA) các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Chánh văn phòng Trung ương Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách tư pháp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Phó Chủ nhiệm VPCP Kiều Đình Thụ, đại biểu các Ban, Bộ, ngành có liên quan.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Trong đó, có nhiệm vụ “chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác THA. Xác định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã và cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong việc thi hành các hình phạt không phải là hình phạt tù… Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc THA”.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, chúng ta đã hoàn thiện một bước căn bản về thể chế pháp lý, kiện toàn hệ thống tổ chức, quản lý THA trong cả ba lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính. Đã xác định rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ trong việc quản lý THA hình sự, trách nhiệm của UBND cấp xã trong các hình phạt như án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện THA. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận rõ những kết quả, hạn chế; đánh giá nguyên nhân chậm trễ trong đổi mới tổ chức và hoạt động THA theo yêu cầu của Nghị quyết 49.

Tập trung thảo luận mục tiêu, phương hướng, giải pháp đổi mới tổ chức và quản lý công tác THA. Phân định trách nhiệm và phối hợp giữa các Bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng. Thẩm quyền của toà án trong việc ra quyết định THA, phân cấp cho UBND các địa phương, đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động THA…

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về những vấn đề được nêu trong Đề án về việc thực hiện quản lý công tác THA để báo cáo Bộ Chính trị. Cụ thể, đó là thực trạng công tác THA với những kết quả, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong THA, công tác THA dân sự, hình sự, hành chính; làm rõ thêm vị trí, tính chất của hoạt động THA trong mối quan hệ với các hoạt động tư pháp khác; tính đa dạng và đặc thù của mỗi loại THA (dân sự, hình sự, hành chính) được nêu trong Đề án đã đầy đủ chưa?

Theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, toà án giữ vị trí trung tâm trong hoạt động tư pháp. Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung cũng xác định toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Trong khi theo pháp luật hiện hành, toà án có thẩm quyền ra quyết định THA hình sự nhưng lại không có thẩm quyền ra quyết định THA dân sự và hành chính. Đề án cho rằng, điều này đã làm hạn chế vai trò của toà án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, dẫn đến những hạn chế. Toà án thì không nắm được tình hình thi hành bản án, quyêt định do mình tuyên, không thấy hết trách nhiệm đối với việc tuyên bản án và không kịp thời giải quyết những trường hợp án tuyên không rõ, án không thi hành được.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về tổ chức hệ thống cơ quan quản lý, cơ quan THA hình sự, dân sự theo ngành dọc. Vai trò của UBND trong quản lý THA hình sự, dân sự, hành chính, các phương thức đổi mới quản lý công tác THA…

Đăng Linh

;
.