Hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội
Ngày 04-10, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Đề án Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội. Tham dự hội nghị có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh phía Nam và miền Trung-Tây Nguyên; các đồng chí nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh phía Nam.
Đề án Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội do đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phê duyệt ngày 18-12-2012. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về nội dung đề án và thống nhất đánh giá, những năm qua, hoạt động của Quốc hội đã có bước tiến bộ đáng kể, phát huy dân chủ, đổi mới về phương thức hoạt động và cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của Quốc hội từ khóa IX đến nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri trong cả nước; cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn bất cập, chưa tương xứng với sự gia tăng về khối lượng công việc và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao đối với hoạt động của Quốc hội; Lĩnh vực phân công cho các cơ quan của Quốc hội phụ trách chưa thực sự cân đối và chưa hợp lý; Cơ cấu thành viên và số lượng đại biểu chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tương xứng với lĩnh vực và khối lượng công việc được giao đảm nhiệm; Vị thế các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; Chất lượng công tác tham mưu, phục vụ của bộ máy giúp việc còn một số mặt hạn chế.
Do đó, việc nghiên cứu đổi mới cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vị trí là cơ quan thường trực của Quốc hội là rất cần thiết. Các đại biểu cho rằng, cần có chức danh Tổng thư ký Quốc hội để đáp ứng công việc điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là người phát ngôn của Quốc hội phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế (chức danh Tổng thư ký Quốc hội là sự tổng hợp chức năng, nhiệm vụ của Trưởng đoàn thư ký kỳ họp và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến vào đề xuất nên nâng cấp Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu và Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên trách của Quốc hội; Tổ chức lại Văn phòng Quốc hội cho phù hợp với nhu cầu thực tế…
Các đại biểu cũng góp ý về mô hình tổ chức, bộ máy giúp việc của Quốc hội có thể phân thành ba khối công việc, bao gồm: Khối đơn vị chuyên môn, tham mưu tổng hợp (có thể xem như là Ban thư ký); Khối thông tin, truyền thông về hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Khối đảm bảo các điều kiện hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội là người chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của bộ máy giúp việc Quốc hội, cũng như các cơ quan của Quốc hội. Giúp việc Tổng thư ký có các Phó Tổng thư ký.
Những ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ góp một phần quan trọng vào việc kiện toàn Đề án, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Vũ Huệ