Tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001

Thứ Sáu, 06/09/2013, 10:19 [GMT+7]

Ngày 05 đến 06-9-2013, tại tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, hơn 10 năm qua, Quốc hội tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, Luật tổ chức Quốc hội cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới và thực tiễn đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi các ưu điểm, hạn chế của các quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành; đánh giá khách quan những kết quả đạt được, chưa đạt được trong quá trình thi hành Luật; phân tích kỹ nguyên nhân, để từ đó đề xuất các kiến nghị cụ thể, thiết thực sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội. 

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 được QH Khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ Mười, tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với 3 chức năng cơ bản là lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước... Năm 2007, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2007 với việc tăng cường các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Thường vụ Qốc hội, tăng cường tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Điều này đã góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của hương ngày càng chuyên sâu và chuyên nghiệp hơn.

Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, hầu hết các quy định của Luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Quốc hội là phù hợp, cần kế thừa và tiếp tục khẳng định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong tình hình mới. Theo đó, các đại biểu đề nghị, việc sửa đổi Luật nên cân nhắc theo 1 trong 3 phương án sau: (1) Chỉ điều chỉnh những vấn đề về tổ chức của Quốc hội, đúng với tên gọi là Luật tổ chức, trong đó tập trung quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội...; (2) Giữ phạm vi điều chỉnh như Luật tổ chức Quốc hội hiện hành là điều chỉnh cả tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đồng thời nghiên cứu, sửa tên Luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh; (3) Xây dựng Luật theo hướng hình thành một bộ quy định có tính pháp điển về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tập hợp toàn bộ các văn bản liên quan để thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng.

                                                                                              Ngọc Hiên

;
.