Tọa đàm đóng góp ý kiến nội dung chương trình bào chữa của Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự
Ngày 12-9-2013, Chương trình Đối tác tư pháp (nhằm hỗ trợ quá trình cải cách tư pháp của Việt Nam giữa các đối tác gồm Ủy ban châu Âu, Thụy Điển và Đan Mạch) và Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm đóng góp ý kiến nội dung chương trình bào chữa của Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự. Tham dự có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Vụ Pháp chế - Bộ Công an, Tòa án quân sự Trung ương và các Đoàn Luật sư một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trên cơ sở Báo cáo đánh giá thực trạng và quan điểm, tư tưởng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về đảm bảo quyền bào chữa và quyền hành nghề của luật sư và kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự do Quốc hội thành lập đã đồng ý với đề xuất về sự cần thiết phải xây dựng một chương trình riêng trong Bộ luật Tố tụng hình sự đảm bảo quyền bào chữa, đồng thời chính thức phân công cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam đảm nhận trách nhiệm Dự thảo Chương VII về bào chữa.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Đại biểu đại diện của các cơ quan chức năng đi sâu phân tích, đóng góp ý kiến cho 6 nội dung: tên gọi, phạm vi và cách thức thiết kế các điều luật của Chương VII; diện chủ thể hưởng quyền bào chữa, đại diện người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đương sự và chế định “Luật sư trực ban”; thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa; việc cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích và bảo đảm quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can trước khi tiến hành việc hỏi cung và quyền tiếp xúc riêng tư trong tầm nhìn chứ không trong tầm nghe với người bào chữa; quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa và sự hỗ trợ từ phía Viện kiểm sát, Tòa án khi có sự hạn chế, ngăn cản thực hiện quyền thu thập chứng cứ; một số quy định mới liên quan đến việc thực thi trách nhiệm và sự tham gia của người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng hình sự.
Một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi là việc đảm bảo quyền gặp mặt riêng tư giữa người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Ý kiến nêu ra cần bãi bỏ chế độ giám sát trực tiếp của những người tiến hành tố tụng hoặc cán bộ giám thị, mà có thể giám sát gián tiếp thông qua hệ thống camera, nhưng không đặt chế độ ghi âm hoặc truyền âm. Chi tiết hóa các quy định về quyền gặp mặt riêng, về cách thức tổ chức, địa điểm cuộc gặp, việc trao đổi thông tin, không hạn chế số lần gặp cũng như chế tài xử lý khi vi phạm quy định này.
Đây là Dự thảo đầu tiên quy định về phạm vi, trình tự và cách thức tiến hành việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, trong đó hai chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và bào chữa được chủ động tiến hành và xác định, cũng như có quyền thay đổi. Chỉ trong trường hợp hai bên không nhất trí được cách thức tranh luận thì Tòa án mới quyết định với vai trò là một trọng tài khách quan sau khi lắng nghe ý kiến trình bày của hai bên. Sự thay đổi này trong tố tụng hình sự không đồng nghĩa với việc chuyển đổi mô hình tố tụng hình sự từ thẩm vấn sang tranh tụng, nhưng trong điều kiện mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn thì quy định cho phép mở rộng khả năng tranh tụng, đối kháng giữa bên buộc tội và gỡ tội, đề cao vai trò của Tòa án, phù hợp với chủ trương nêu trong Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Dự thảo lần này cũng quy định về sự tham gia của người bào chữa trong thủ tục tố tụng rút gọn, trong việc xem xét lại bản án có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành án hình sự. Đây là những vấn đề mới, cần thiết trong việc tư vấn, trợ giúp pháp lý cho những người phạm tội ít nghiêm trọng, những người bị tuyên phạt án tử hình hoặc đang chấp hành hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Cù Tất Dũng
(Ban Nội chính Trung ương)