Hội thảo tổ chức và hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội
Từ ngày 12 đến 13-9, tại thành phố Hải Phòng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo tổ chức và hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về kinh nghiệm của nghị viện một số nước trên thế giới trong việc tổ chức hệ thống Ủy ban của nghị viện; Những bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc lập pháp và một số kiến nghị về việc sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật tổ chức Quốc hội; Việc thực hiện báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội – thực trạng và kiến nghị; Đổi mới tổ chức và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội – thực trạng và kiến nghị sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội; Hướng hoàn thiện các quy định của Luật tổ chức QH về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Mô hình Tổng thư ký Quốc hội và khả năng áp dụng ở Việt Nam; Quy trình thực hiện hoạt động giải trình, điều trần tại các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam – thực trạng và một số kiến nghị.
Quang cảnh Hội thảo |
Đánh giá về hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong lĩnh vực lập pháp. Các báo cáo thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh nhìn chung có tính phản biện cao, thể hiện rõ căn cứ pháp luật, cơ sở thực tiễn và khoa học, tạo thuận lợi để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thông qua luật, pháp lệnh. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đã tập trung giám sát việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát những vấn đề quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như: kinh tế, ngân sách nhà nước, văn hóa, xã hội, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, việc giải quyết khiếu nại tố cáo, tình hình an ninh quốc phòng, khoa học, công nghệ, môi trường, tham nhũng... góp phần bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát tiến hành giám sát chưa nhiều, chưa thường xuyên, liên tục, công tác giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn yếu, việc đôn đốc, giải quyết các kiến nghị của Đoàn giám sát hiệu quả chưa cao; việc thẩm tra hiện nay chủ yếu do bộ phận Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban thực hiện, không phải là sự tham gia thẩm tra của cả tập thể nên chất lượng chưa cao, việc thể hiện quan điểm của cơ quan thẩm tra ở một số trường hợp còn mang tính hình thức...
Từ thực tiễn hoạt động với những khó khăn, hạn chế nêu trên, các đại biểu trao đổi, thảo luận, đưa ra 8 giải pháp góp phần cải tiến, đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội. Đó là: đổi mới nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm quyền, thời gian đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phân công hợp lý hơn việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh; nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án; nâng cao chất lượng chỉnh lý các dự thảo luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; tăng cường hoạt động giám sát; kiện toàn về cơ cấu thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; tăng cường bộ máy giúp việc và điều kiện làm việc của các cơ quan này.
Ngọc Hiên