Hội thảo "Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn
(BNCTW) - Trong 2 ngày 24 và 25-9-2013, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cung cấp và trao đổi thông tin lập pháp giữa các cơ quan của Quốc hội”, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc UNDP tổ chức Hội thảo “Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quy định pháp luật và thực tiễn triển khai”.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội, các đồng chí đại diện các cơ quan của Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam…
Quang cảnh Hội thảo |
Lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đối với bộ máy nhà nước; gắn hoạt động này với công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đến nay, về cơ bản Quốc hội, HĐND các cấp đã tiến hành xong việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu. Nhìn chung, việc lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được một số kết quả tích cực, được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, khách quan, bảo đảm quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được vai trò của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Hội thảo tập trung trình bày các tham luận: Vai trò, mục đích và ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Phát huy dân chủ, bảo đảm khách quan, công bằng, công khai trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Một số kiến nghị bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về đối tượng, phạm vi, quy trình, thủ tục tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Cơ chế hỗ trợ, cung cấp thông tin cho đại biểu dân cử và việc chuẩn bị báo cáo, trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Thực tiễn công tác hướng dẫn, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Vai trò của cơ quan báo chí trong tuyên truyền, đưa tin việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Lấy phiếu tín nhiệm (không tín nhiệm) chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Quốc hội và HĐND với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn qua thực tiễn thực hiện của thành phố Hà Nội; Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc HĐND tỉnh Quảng Ninh thực hiện lấy phiếu tín nhiệm
Trao đổi tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để việc lấy phiếu tín nhiệm phục vụ hiệu quả cho hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện với trách nhiệm nghiêm túc, cẩn trọng, trung thực, chặt chẽ, đúng đắn, loại trừ mọi hành vi làm sai lệch bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở đó, nhiều đại biểu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến hoạt động này: (1) Bổ sung thêm một số đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm thuộc các cơ quan hành pháp, tư pháp và kiểm toán (Giám đốc Sở, Trưởng ngành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án tòa án nhân dân); không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các đại biểu dân cử và Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước để bảo đảm tính thống nhất và ý nghĩa của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm trong hệ thống chính trị; (2) Quy định mức lấy phiếu tín nhiệm nên gọn lại thành 2 mức (tín nhiệm và không tín nhiệm); (3) Bổ sung quy định về căn cứ, tiêu chí đánh giá người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (ngoài căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thì cần bổ sung tiêu chí được quy định tại Điều 28 Luật cán bộ, công chức năm 2008 để đánh giá); (4) Quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, thể hiện quyền được chất vấn, trao đổi và thảo luận dân chủ trước khi tiến hành lấy phiếu. Người được lấy phiếu tín nhiệm ngoài báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định thì cần có bản nhận xét của cơ quan nơi người được lấy phiếu công tác, nhận xét của thủ trưởng trực tiếp quản lý người được lấy phiếu; nhận xét của cử tri nơi người đó ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đang công tác; bản kê khai tài sản của người được lấy phiếu có xác minh của cơ quan có thẩm quyền; (5) Cần huy động, phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chủ trì trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, thảo luận, đánh giá và cung cấp cho đại biểu thông tin trước khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm; (6) Không nên lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm để bảo đảm tính thực chất, hiệu quả của hoạt động này…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp đánh giá cao những ý kiến, phát biểu trao đổi, thảo luận. Những kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, phục vụ cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; phục vụ quá trình thẩm tra, thảo luận, thông qua các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước trong thời gian tới.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)