Hội thảo khoa học Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) - Về chế định Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân
Ngày 25-9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học “Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) - Về chế định cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân”.
Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có: PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Tòa án nhân dân tối cao; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Nội Chính Trung ương; một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quang cảnh Hội thảo |
Khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam từ năm 1960 đến nay có 04 lần Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân luôn tuân thủ đúng pháp luật, khách quan, hiệu quả, góp phần bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp; đồng thời góp phần giúp Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định cải cách tư pháp là chủ trương mang tính chiến lược, nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại hóa, phục vụ nhân nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo đã trình bày tham luận về chế định Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân. Các tham luận tập trung vào một số vấn đề như: Đổi mới Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát trong cải cách tư pháp đang tiến hành ở nước ta; Tổ chức và hoạt động điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát/Viện công tố ở một số nước trên thế giới - Những kinh nghiệm rút ra đối với việc đổi mới Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân; Quyền điều tra của Viện kiểm sát và sự cần thiết phải giao trách nhiệm điều tra tội phạm về chức vụ, tham nhũng cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quá trình hình thành và phát triển của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Một số bài học kinh nghiệm.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, để thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Một trong những chế định quan trọng của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), đang được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách pháp luật và các nhà hoạt động thực tiễn đó là chế định về Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học này để cùng trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học về vị trí, vai trò, thực trạng tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; những yêu cầu đặt ra và đề xuất, kiến nghị về việc đổi mới chế định Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu cải cách tư pháp để có thêm thông tin về tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân góp phần chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm, xác lập luận cứ khoa học cho việc soạn thảo những quy định về Cơ quan điều tra trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
P.V