Hội thảo Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nghiên cứu, xây dựng dự án đăng ký tài sản tại Việt Nam
Từ ngày 9 đến 10-9-1013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Quỹ hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tại Berlin tổ chức Hội thảo Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nghiên cứu, xây dựng dự án đăng ký tài sản tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của Giáo sư Leif Bottcher (Công chứng viên, tư vấn pháp luật của Bộ Tư pháp liên bang Đức, Vụ Pháp luật về tài sản và Luật Đăng ký đất đai) cùng nhiều chuyên gia Đức và Việt Nam và các chuyên gia Việt Nam đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân tối cao, trường Đại học Luật Hà Nội, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Công chứng thành phố Hà Nội, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC)…
Quang cảnh Hội thảo |
Đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế phân tích: pháp luật hiện hành về đăng ký tài sản và sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đăng ký tài sản tại Việt Nam; Một số vấn đề lý luận về đăng ký tài sản tại Việt Nam; Thực tiễn công tác quản lý và tổ chức đăng ký bất động sản hiện nay tại Việt Nam; Hệ thống đăng ký tài sản tại Đức; Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu tài sản; Bình luận pháp luật về đăng ký tài sản nhìn từ góc độ của tổ chức tín dụng; Thực tiễn triển khai hoạt động đăng ký cấp Giấy chứng nhận và đăng ký các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thành phố Hà Nội hiện nay.
Qua nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành của pháp luật Việt Nam về đăng ký tài sản cho thấy pháp luật hiện hành còn tồn tại những bất cập đó là: hiện chưa có một đạo luật riêng, hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đăng ký đối với tài sản, có sự thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký một số nội dung cơ bản của đăng ký đối với bất động sản, hoạt động đăng ký bất động sản vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính... Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có các quy định đăng ký sở hữu đối với tài sản là động sản theo yêu cầu.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cho rằng, một trong những yêu cầu hiện nay trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cần phải minh bạch tài sản của các chủ thể trong đời sống xã hội. Thông qua hoạt động đăng ký, tính chính xác của việc kê khai tài sản, từ đó xác định nguồn gốc tạo lập tài sản được rõ ràng, chính xác, góp phần vào ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực của bộ máy công quyền. Để khắc phục tồn tại trên, việc xây dựng dự án luật đăng ký tài sản tại Việt Nam là điều rất cần thiết. Những nội dung cơ bản cần thể hiện trong dự án Luật đăng ký tài sản của các chuyên gia tham dự Hội thảo sẽ “là tư liệu quan trọng để các cơ quan chức năng vận dụng trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật liên quan đến đăng ký tài sản ở Việt Nam”.
Vân Anh
(Đài Truyền hình VN)