Hội nghị triển khai thi hành Luật giám định tư pháp

Thứ Sáu, 20/09/2013, 16:41 [GMT+7]

Ngày 20-9-2013, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật giám định tư pháp.

Luật giám định tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013. Để hướng dẫn thi hành Luật giám định tư pháp, ngày 29-7-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo đánh giá sơ bộ tình hình triển khai Luật giám định tư pháp, đến nay hầu hết các bộ, ngành và địa phương đều đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật. Trên cơ sở Kế hoạch đã ban hành, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tổ chức tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản, nội dung mới của Luật giám định tư pháp đến với các đối tượng có liên quan. Bên cạnh việc soạn thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành, hiện Bộ Tư pháp đã và đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Đến nay, dự thảo Quyết định đã được lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương, chuẩn bị tổ chức thẩm định, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9-2013. Các văn bản thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đến nay mới có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04/2013/TT- BVHTTDL (ngày 03-5-2013) quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, lập và công bố danh sách giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa. Còn lại, hầu hết các văn bản hướng dẫn Luật về tiêu chuẩn cụ thể của giám định viên, quy chuẩn chuyên môn, quy trình cấp phát kinh phí giám định tư pháp, trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá chất lượng hoạt động giám định và sử dụng kết luật giám định trong tư pháp, văn bản hướng dẫn thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định... thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo.

Tham dự Hội nghị, các đại biểu cho rằng việc triển khai Luật so với kế hoạch đặt ra còn khá chậm như việc soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật; củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần; rà soát, lập và công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; việc phối hợp trong việc triển khai thi hành luật giữa các bộ, ngành ở trung ương còn gặp nhiều khó khăn. Để triển khai có hiệu quả Luật giám định tư pháp, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương phải tổ chức triển khai nghiêm túc những nội dung công việc đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong đó cần phải tập trung vào việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt các nội dung cơ bản của Luật giám định tư pháp; xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ khác khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn giám định viên tư pháp ở từng lĩnh vực giám định tư pháp và Thông tư quy định về quy chuẩn chuyên môn hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp; Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải ban hành quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp làm cơ sở để cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định cấp phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng văn bản hướng dẫn về trưng cầu, yêu cầu giám định và đánh giá sử dụng kết luận giám định tư pháp, thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá chất lượng hoạt động giám định và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử...

Thành An

;
.