Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ Sáu, 16/08/2013, 15:19 [GMT+7]

Ngày 15-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Đại diện các cơ quan pháp luật của tỉnh đã trao đổi, cung cấp cho Đoàn Ủy ban Tư pháp Quốc hội những thông tin để làm rõ một số dung mà đoàn quan tâm. Bên cạnh đó, nêu lên một số khó khăn, hạn chế cụ thể của ngành Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như: Năng lực kiểm sát viên, điều tra viên và thẩm phán còn nhiều hạn chế, việc khởi tố vụ án cơ quan điều tra mới vào cuộc cũng gây ra những khó khăn nhất định…

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Quyền nhận định, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều cố gắng trong công tác điều tra, truy tố, kiểm sát, phòng chống tham nhũng, tuân thủ tốt pháp luật và nhất là không để xảy ra tình trạng xét xử oan.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội lưu ý các đơn vị cần có đánh giá cụ thể hơn về tình hình của từng ngành. Một số hạn chế của các hoạt động tư pháp tỉnh cần sớm được khắc phục như: Tình hình tội phạm diễn biến nghiêm trọng, phức tạp có chiều hướng gia tăng, các biện pháp pháp phòng ngừa, ngăn chặn chưa hiệu quả; Hiệu quả kiểm sát thông tin chưa cao, còn bỏ sót tội phạm, cần tăng cường năng lực của kiểm soát viên; Tỷ lệ thi hành án thấp; công tác luật sư, giám định còn nhiều hạn chế; công tác phát hiện tham nhũng yếu.

Từ đầu năm 2013 đến nay, các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết lĩnh vực. Công tác phòng, chống tham nhũng, số vụ việc phát hiện được qua cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn ít. Ngành kiểm sát tỉnh giải quyết tin báo, tố giác, tội phạm thời gian qua đạt hiệu quả cao, tuy nhiên vẫn chủ yếu dựa vào nguồn tin báo từ công an. Người bị kiện thường là cơ quan Nhà nước, nên nhiều vụ án hành chính kéo dài và chậm tống đạt các vụ án. Công tác thi hành án, còn nhiều khó khăn, lượng án phát sinh chủ yếu liên quan đến kinh doanh, thương mại, tín dụng ngân hàng, tranh chấp dân sự... với giá trị phải thi hành lớn nhưng rất khó thi hành.

(Theo TTXVN)

;
.