Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, Ngày 19-8-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật tiếp công dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp.
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật tiếp công dân. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành và nội dung, bố cục của dự thảo Luật tiếp công dân. Thảo luận về Trụ sở tiếp công dân, tại Kỳ họp thứ 5, có ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành cần có quy định về Trụ sở tiếp công dân, trong đó nhất trí với việc tổ chức Trụ sở tiếp công dân là nơi tiếp công dân chung của các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên thành lập Trụ sở tiếp công dân chung mà các cơ quan, tổ chức phải tổ chức việc tiếp công dân riêng theo chức năng, nhiệm vụ tại cơ quan, tổ chức mình.
Tiếp công dân tại thành phố Hồ Chí Minh |
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức một trụ sở chung làm đầu mối để các cơ quan Đảng và Nhà nước cùng tham gia tiếp công dân là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời, tạo sự gắn kết, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan ở mỗi cấp chính quyền trong việc tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục quy định về Trụ sở tiếp công dân nhưng có làm rõ hơn tính chất của Trụ sở là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Theo đó, dự thảo Luật quy định có 3 loại Trụ sở tiếp công dân bao gồm: Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương; Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh và Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.
Cho ý kiến về dự án Luật tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, thực tế thời gian qua cho thấy, việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư cho công dân còn vòng vèo, dẫn tới nhiều vụ tồn đọng, vượt cấp kéo dài. Do đó, vấn đề ở đây là phải giải quyết xong và việc giải quyết phải làm sao để người dân “tâm phục, khẩu phục”, không khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của người được giao trách nhiệm, quyền hạn về việc tiếp công dân nhưng không giải quyết.
Liên quan đến việc Dự thảo Luật Tiếp công dân đề xuất việc thành lập trụ sở tiếp công dân của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ nên mở văn phòng tiếp công dân nếu giải quyết được việc cho dân. Nếu không giải quyết được thì nên giữ như hiện nay, chỉ nên mở chung một trụ sở tiếp công dân ở Trung ương chung của Đảng và Nhà nước.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần xác định và quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu; phân biệt giữa trách nhiệm của người đứng đầu với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân. Có ý kiến đề nghị không nên quy định cứng về định kỳ tiếp công dân, phân biệt định kỳ tiếp công dân giữa những người đứng đầu các bộ, ngành khác nhau.
Cũng tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề như: việc tổ chức tiếp công dân tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy trình tổ chức tiếp công dân; xử lý trường hợp nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân…
Vũ Huệ