Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức
Thực hiện chương trình công tác, sáng 22-8, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 1/1/2010 – 31/12/2012. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì cuộc làm việc.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Phan Trung Lý, trước cuộc họp này, Đoàn Giám sát đã làm việc tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và làm việc tại 10 đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành. Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố và đơn vị trong thời gian tới để tập hợp kết quả báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày báo cáo |
Theo Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày, triển khai Luật Cán bộ, công chức, Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, trong đó có 4 Nghị định quy định về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với công chức, công chức cấp xã. Chính phủ cũng đã ban hành 4 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Viên chức, trong đó có 2 Nghị định quy định về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với viên chức.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết trên còn chậm so với kế hoạch; chưa đồng bộ. Đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng cán bộ, đặc biệt là quy định liên quan đến trình tự, thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ (kể cả cán bộ cấp xã).
Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thi tuyển công chức theo quy định mới. Qua đó, việc thực hiện tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm đã từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, việc chậm xây dựng hệ thống danh mục vị trí việc làm cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thi tuyển công chức theo vị trí việc làm và tổ chức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành ở các bộ, ngành, địa phương hiện nay. Bộ Nội vụ đã nghiên cứu xây dựng phần mềm tổ chức thi tuyển công chức trên máy tính và đã triển khai, áp dụng đối với các kỳ thi tuyển công chức, viên chức tại một số địa phương, mở ra một hướng mới nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, đảm bảo triệt để hơn nguyên tắc khách quan, công bằng. Chính phủ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách tổ chức thi tuyển công chức và tổ chức các các kỳ thi tuyển mang tính quốc gia.
Nhìn chung, công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp đã được thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch, góp phần tạo động lực để người có trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên. Một số địa phương đã mạnh dạn tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng và đạt được kết quả đáng ghi nhận, bước đầu tạo được môi trường cạnh tranh, thu hút người có phẩm chất, năng lực tốt tham gia đội ngũ cán bộ, lãnh đạo. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo , quản lý còn thiếu hợp lý, chưa bám sát yêu cầu quản lý, điều hành của từng cơ quan, đơn vị; nhiều trường hợp thể hiện dân chủ hình thức, chủ yếu theo định hướng, thậm chí chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chưa đánh giá chính xác phẩm chất, năng lực thực tế của cán bộ, công chức trước khi bổ nhiệm. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa các cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý Nhà nước nhìn chung còn ít, chưa phát huy được sức mạnh đội ngũ, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ.
Thảo luận về Báo cáo của Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, các thành viên đoàn giám sát cho ý kiến đánh giá chung về những ưu điểm cũng như tồn tại trong quá trình thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này, nhất là quy định đối với cán bộ. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; kết quả kiểm tra có phát hiện được hiện tượng tham nhũng, tiêu cực hay không, vì đây là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận. Các thành viên đoàn giám sát cũng góp ý đề nghị Báo cáo phân tích cụ thể về tồn tại, khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ tương đối toàn diện nhưng cần bám sát hơn mục đích, yêu cầu giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc tổ chức thực hiện pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức như một trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.
Báo cáo cần rút ra kinh nghiệm, đề xuất Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về lĩnh vực này trên cơ sở tổng kết việc thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; đánh giá sơ bộ hiện trạng tình hình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là tại cấp cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ…để từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục, hoàn thiện. Báo cáo của Chính phủ cần quan tâm, phân tích cụ thể hơn chất lượng, hoạt động của đội ngũ viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Báo cáo phải nhìn thẳng vào thực trạng có xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, phân tích nguyên nhân và đề xuất các biện pháp khắc phục để tiếp tục hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng cao về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ mới.
(Theo TTXVN)