Minh bạch thủ tục hành chính để dân giám sát
Ngày 21-8-2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, tính toán sơ bộ mỗi ngày có 600.000 giao dịch thủ tục hành chính được thực hiện giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cấp chính quyền. Với gần 400 vụ, cục; 1.300 sở, gần 7.000 cơ quan chuyên môn, số lượng giao dịch giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước là rất nhiều và cũng phát sinh nhiều vấn đề về đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Một trong những hạn chế đó là sự thiếu minh bạch, kịp thời, thuận lợi của các thủ tục hành chính.
Quang cảnh Hội thảo |
Nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia vào xây dựng, thực thi chính sách, ngày 14-2-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Nhìn chung, công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, giải quyết thủ tục hành chính không được kiểm soát một cách chặt chẽ, còn rời rạc tại các cấp chính quyền, không mang tính tập trung, trực tiếp. Việc nắm bắt thông tin chủ yếu thông qua báo cáo định kỳ nên chỉ mang tính chất tổng hợp trên giấy, không bảo đảm tính chính xác đầy đủ. Bên cạnh đó, người dân, tổ chức chưa được thể hiện vai trò làm chủ của mình thông qua việc giám sát toàn bộ quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến cá nhân, tổ chức dẫn đến việc tùy tiện, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức...
Để khắc phục được những hạn chế này và để người dân tham gia nhiều hơn vào xây dựng và thực thi chính sách thì việc xây dựng Đề án thiết lập hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính là điều hết sức cần thiết.
Mục tiêu của Đề án nhằm giúp các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác về toàn bộ quá trình thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và giải quyết thủ tục hành chính tại bốn cấp chính quyền; Minh bạch hóa tất cả quá trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính, giúp người dân, tổ chức theo dõi, giám sát và cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền kiểm soát các hoạt động này một cách trực tiếp, tập trung và thống nhất trên phạm vi toàn quốc; giúp các cơ quan nhà nước có nguồn thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phục vụ việc hoạch định, điều chỉnh các chính sách bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Dự kiến, Đề án được thực hiện trong 3 năm từ 2014-2016 với lộ trình cụ thể như sau. Giai đoạn I được thực hiện trong năm 2014; giai đoạn II năm 2015; giai đoạn III được thực hiện trong năm 2016.
Vân Anh
(Đài Truyền hình Việt Nam)