Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường
Tiếp tục chương trình chất vấn tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20-8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai. Phiên họp chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp; đồng thời kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội.
* Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Thời gian qua, phần lớn các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác cấp Giấy chứng nhận ở địa phương. Trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn; song các địa phương đều đã rất cố gắng bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác cấp Giấy chứng nhận, số lượng Giấy chứng nhận được cấp tăng lên nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên kết quả cấp Giấy chứng nhận của cả nước trong 6 tháng qua vẫn còn đạt thấp, chỉ bằng đạt 21,6% về diện tích so với kế hoạch thực hiện năm 2013. Bộ đang quyết tâm hoàn thành cơ bản chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt 85% diện tích vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ về nguồn lực đối với các tỉnh có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận còn thấp và có nguồn thu ngân sách thấp, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào di cư tự do, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết vấn đề do điều kiện đất đai để sản xuất hết sức khó khăn, một số đồng bào phía Bắc đã di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là Đắk Lắk và Đắk Nông, đã sinh sống ổn định từ nhiều năm nay. Vấn đề này Bộ đã bàn và xin ý kiến về chủ trương của Chính phủ. Về mặt quan điểm, cần phải tạo điều kiện để đồng bào sinh sống ổn định, nhưng đồng thời cũng cần có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn làn sóng di cư tự do, việc di cư phải theo chủ trương, kế hoạch. Đồng bào di cư sinh sống, làm việc ở đất nông lâm trường đã ổn định sẽ được cấp Giấy chứng nhận. Riêng diện tích đất liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Bộ đang xin Chính phủ cho ý kiến điều chỉnh, việc này cần phải bàn kỹ hơn.
Về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai được các đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho biết trong 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải rà soát, giải quyết 28 vụ việc trong đó có 10 vụ việc do Bộ tự rà soát, tổng hợp. Kết quả có 17 vụ việc qua rà soát đã giải quyết đúng pháp luật, 8 vụ việc địa phương phải giải quyết lại. Ngoài các vụ việc đã rà soát nằm trong 528 vụ việc trên, Bộ đã rà soát và làm việc thống nhất giải quyết 49 vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Giải trình thêm các nội dung liên quan, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết hiện còn 63 vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài liên quan đến đất đai đang tiếp tục được giải quyết. Song song với giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai, chính quyền địa phương cũng đã xem xét khôi phục quyền lợi cho dân, dùng ngân sách hỗ trợ cho các hộ khó khăn và sửa sai đối với những trường hợp giải quyết không đúng. Các địa phương đã khôi phục quyền công dân với số tiền 1.388 tỷ đồng, 34ha đất, 24 nền nhà tái định cư. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Quốc hội và các cấp, các ngành ngoài chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai cần điều chỉnh cơ chế chính sách liên quan, vì đây chính là nguyên nhân dân dẫn đến khiếu nại đông người. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, các Ủy ban của Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương cùng phối hợp để có tiếng nói chung trong giải quyết khiếu nại tố cáo.
* Siết chặt việc cấp phép khai thác khoáng sản
Trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út, liên quan đến vấn đề quản lý khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, mặc dù công tác quản lý cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản có chuyển biến tích cực, song tình hình còn phức tạp. Năm 2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra tình hình cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để rà soát toàn bộ hồ sơ, qua đó phát hiện 957 giấy phép cấp sai. Kết quả kiểm tra cho thấy các địa phương đã cấp giấy phép không đúng thẩm quyền: 103 giấy phép; cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: 37 giấy phép; cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề về thăm dò, khai thác khoáng sản: 52 giấy phép; cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản: 128 giấy phép...
Sau khi kiểm tra, Bộ đã báo cáo và Chính phủ đã có ý kiến đối với một số tỉnh, qua đó, yêu cầu các tỉnh tuân thủ các quy định pháp luật trong cấp phép. Chính phủ đề nghị 9 tỉnh thu hồi giấy phép cấp không đúng quy định; 10 tỉnh xem xét bổ sung điều chỉnh quy hoạch; 11 tỉnh tạm đình chỉ cấp giấy phép đối với những khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh có vi phạm đến ngày 30/11/2013 phải báo cáo tình hình.
Liên quan đến cấp phép khai thác vàng, cát sỏi buôn lậu ra bên ngoài như kiến nghị của đại biểu Danh Út, Bộ trưởng thừa nhận thời gian một số tỉnh có xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản mà chủ yếu là khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi. Hoạt động khai thác này chủ yếu diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nguyên nhân do đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép quy mô nhỏ khá phổ biến. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản chưa thường xuyên, chưa sâu rộng; nhận thức của địa phương và người dân trong bảo vệ khoáng sản chưa đầy đủ…
Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để bà con thấy tác hại của việc khai thác trái phép khoáng sản. Khẳng định trong 957 giấy phép cấp sai chủ yếu trách nhiệm thuộc về các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các địa phương khẩn trương rút kinh nghiệm, có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý, khai thác khoáng sản trái phép ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và đời sống người dân, gây lãng phí thất thoát tài nguyên quốc gia, trả lời băn khoăn của đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La), Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận: Sau khi Luật Khoáng sản ra đời năm 2010, Bộ đã tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn như các nghị định, thông tư, nhưng đến nay vẫn chưa xong, điều này có ảnh hưởng lớn đến hoạt động cấp phép, khai thác khoáng sản ở các địa phương. Bộ đã tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, nhưng chưa thường xuyên để xảy ra tình trạng cấp phép sai, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xảy ra nhiều. Thời gian tới, Bộ sẽ có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, tuy nhiên cũng cần có sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân các tỉnh. Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng có ý kiến nhắc nhở các tỉnh tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản tại địa phương.
* Tiến tới sử dụng phương tiện hiện đại để theo dõi, giám sát các nguồn thải
Nhận định quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường thời gian qua còn lỏng lẻo, tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải của các doanh nghiệp ngày càng nghiêm trọng, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định không phải các địa phương đều có sự đồng thuận, nhiều nơi mong đất giá rẻ, nhân công giá rẻ, “nương tay” trong quản lý bảo vệ môi trường để thu hút đầu tư.
Bộ trưởng khẳng định bảo vệ môi trường là vấn đề hết sức nan giải, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến ý thức của các doanh nghiệp bởi việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải, nước thải rất tốn kém. Nếu lực lượng cảnh sát môi trường, thanh tra tài nguyên môi trường không kiểm tra thường xuyên, các doanh nghiệp sẵn sàng xả thải ra ngoài môi trường, để bắt quả tang là không dễ. Theo Bộ trưởng, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra thường xuyên, trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp là rất khó, phải có thái độ xử lý kiên quyết, tiến tới sử dụng hệ thống trạm quan trắc tự động và camera theo dõi, giám sát các nguồn thải 24/24h như tỉnh Bình Dương đã thực hiện.
Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu, nhận trách nhiệm về những hạn chế tồn tại của ngành tài nguyên môi trường nói chung, của Bộ nói riêng.
Kết luận toàn bộ nội dung trả lời chất vấn của hai Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hệ thống pháp luật trong hai lĩnh vực này, ban hành quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra việc hướng dẫn tổ chức, xây dựng pháp luật, tình hình nợ đọng, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Chủ tịch chỉ đạo các cơ quan phải cùng vào cuộc, các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương phải tăng cường giám sát, công tác quản lý nhà nước phải nghiêm hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội nhận định công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường, đất đai, xử lý khiếu nại tố cáo là vấn đề nóng bỏng, việc thất thoát, lãng phí sử dụng không hiệu quả, quản lý không chặt chẽ, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này khiến dư luận nhức nhối, Quốc hội lo lắng. Qua phiên chất vấn, các cấp, các ngành thấy được tồn tại để khắc phục. Sự bổ sung lẫn nhau giữa các Bộ trưởng đã hình thành các giải pháp để chúng ta quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng hy vọng qua chất vấn sẽ tạo bước chuyển biến tích cực về chương trình xây dựng pháp luật, để đến hết năm 2013 về cơ bản giải quyết xong tình trạng nợ văn bản hướng dẫn, đồng thời với đó tăng cường quản lý đất đai, sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn. Sau chất vấn, Văn phòng Quốc hội sẽ ban hành văn bản kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo cơ sở cho việc thực thi các nhiệm vụ liên quan.
(Theo TTXVN)