Hội thảo đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính

Thứ Năm, 22/08/2013, 07:12 [GMT+7]

Ngày 21-8-2013, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC).

Ngày 8-11-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình cải cách đã khẳng định công tác cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những yêu cầu cơ bản và cấp bách đối với cải cách TTHC theo Nghị quyết 30c là ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công khai, minh bạch tất cả các TTHC bằng các hình thức thiết thực và thích hợp để nhân dân giám sát việc thực  hiện đồng  thời duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tăng cường đối thoại giữa nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân; mở rộng dân chủ, thực hiện một cách có chất lượng, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính để hỗ trợ việc nâng cao chất lượng các quy định hành chính và giám sát việc thực hiện TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Để phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia vào xây dựng, thực thi chính sách, ngày 14-02-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Nhìn chung, công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên, quá tình tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, giải quyết TTHC không được kiểm soát một cách chặt chẽ, còn rời rạc tại các cấp chính quyền, không mang tính tập trung, trực tiếp. Việc nắm bắt thông tin chủ yếu thông qua báo cáo định kỳ nên chỉ mang tính chất tổng hợp trên giấy, không bảo đảm tính chính xác đầy đủ. Với lối làm việc thủ công, chủ yếu thông qua công văn, giấy tờ nên quy trình xử lý, giải quyết hồ sơ TTHC và các phản ánh, kiến nghị đang gây nhiều tốn kém về thời gian và chi phí hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, người dân, tổ chức chưa thể hiện được vai trò làm chủ của mình thông qua việc giám sát toàn bộ quá trình xử lý công việc của các cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến cá nhân, tổ chức dẫn đến việc tùy tiện, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức... Để khắc phục được những hạn chế này, đồng thời để người dân có cơ hội tham gia nhiều hơn vào xây dựng và thực thi chính sách thì việc xây dựng Đề án thiết lập hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC là điều hết sức cần thiết.

Mục tiêu của Đề án nhằm giúp các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác về toàn bộ quá trình thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và giải quyết TTHC tại bốn cấp chính quyền; Minh bạch hóa tất cả quá trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức cũng như việc giải quyết TTHC, giúp người dân, tổ chức theo dõi, giám sát và cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền kiểm soát các hoạt động này một cách trực tiếp, tập trung và thống nhất trên phạm vi toàn quốc; giảm chi phí tuân thủ thực hiện TTHC cho người dân, tổ chức, chi phí hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết TTHC cũng như việc theo dõi, kiểm soát các hoạt động trên; giúp các cơ quan nhà nước có nguồn thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phục vụ việc hoạch định, điều chỉnh các chính sách bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển  KT - XH.

Dự kiến, Đề án được thực hiện trong 3 năm từ 2014-2016. Giai đoạn I được thực hiện trong năm 2014 với việc phân tích, thiết kế và xây dựng các thành phần phần mềm dùng chung cho toàn bộ hệ thống; xây dựng cơ chế vận hành hệ thống và các chính sách pháp lý; chuẩn hóa dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC. Giai đoạn II thực hiện trong năm 2015, giai đoạn này sẽ lập trình, hoàn thiện toàn bộ phần mềm; trang bị hạ tầng Trung tâm dữ liệu; Triển khai kết nối ở 4 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng). Giai đoạn III thực hiện trong năm 2016, với việc triển khai kết nối ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Thành An

;
.