Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư
Ngày 20-8-2013, Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo về một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư.
Kết quả cuộc khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện trên 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng được đánh giá là một trong nhóm các thủ tục khó khăn hàng đầu đối với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Việc thực hiện các dự án đầu tư hiện nay được áp dụng theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, quá trình triển khai các văn bản pháp luật cho tới nay đã nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể là các quy định về quy trình, thực hiện đầu tư phức tạp, chồng chéo và không thống nhất; thiếu hướng dẫn cụ thể về điều kiện đầu tư; quy định ưu đãi đầu tư chưa nhất quán, chưa phù hợp với thực tiễn và nhiều vướng mắc từ pháp luật về đất đai.
Quang cảnh Hội thảo |
Hội thảo lần này, ngoài việc nêu thực trạng, khó khăn về thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư còn đưa ra một số đề xuất giải pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá các quy định về cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể là: chuẩn hoá việc lựa chọn nhà đầu tư; bãi bỏ các thủ tục đăng kí đầu tư và thẩm tra để giảm sự trùng lặp; không yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp phép quy hoạch; bãi bỏ thủ tục chấp thuận phương án tổng thể về bồi thường và hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp dự án đầu tư không phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư; không yêu cầu thực hiện việc cấp phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Việc Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư đang được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng có thể đem lại tác động tích cực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay.
Qua hơn 2 năm triển khai Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương , sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, công tác kiểm soát cải cách thủ tục hành chính đã thực hiện đạt nhiều kết quả đáng kể.
Kết quả cụ thể của hoạt động cải cách thủ tục hành chính thể hiện trên nhiều lĩnh vực được xã hội , cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao. Một số kết quả cải cách nổi bật trong thời gian qua như: trong lĩnh vực thuế là cơ chế sử dụng hoá đơn tự in; lĩnh vực hải quan là nhóm thủ tục Cấp giấy chứng nhận hàng hoá (C/O) qua internet; ở lĩnh vực ngân hàng là thủ tục vay vốn với các hộ nghèo được đơn giản hoá để người dân dễ thực hiện; ở lĩnh vực xây dựng thì nhóm các thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng; quy định về việc thu phí xây dựng bị bãi bỏ đã tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp.
Vân Anh
(Đài Truyền hình Việt Nam)