Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII: Xử lý nghiêm hành vi lạm quyền trong quản lý đất đai

Thứ Ba, 18/06/2013, 16:30 [GMT+7]

Ngày 17/6, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đã tập trung hoàn thiện dự thảo Luật thông qua việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp với gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý về các nội dung trong dự thảo.

*Gần 7 triệu lượt ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 192 điều, so với Luật đất đai năm 2003, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tăng thêm 06 chương và 46 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc tại phiên họp thứ 13 và 14. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến nhân dân có 14 chương, 206 điều, tăng 14 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, đã luật hóa các quy định áp dụng ổn định trong thực tiễn, bao gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc sử dụng đất, người sử dụng đất, người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất; người chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với đất được giao để quản lý, khuyến khích đầu tư vào đất đai, phân loại đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai, giá đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai; giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Sau 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 01/02/2013 đến ngày 31/3/2013), tổng hợp báo cáo ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức và cá nhân cho thấy có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân).

Tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc để khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai ngay tại Chương I để làm cơ sở pháp lý cho các quy định của dự thảo Luật Điều 4. Sở hữu đất đai quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

* Quy định chặt chẽ để tránh sự lợi dụng trong thu hồi đất

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án thực sự vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… tránh trường lợi dụng quy định này để thu hồi đất.

Tán thành với quan điểm đất là tài nguyên, tư liệu sản xuất đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy thống nhất với quan điểm thu hồi đất được quy định tại Chương 6. Tuy nhiên theo đại biểu đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà và các tài sản khác gắn liền với đất ở thì nhà nước cần phải trưng mua. Lý giải vấn đề này, đại biểu cho rằng nhà ở và tài sản khác là tài sản của dân thì nhà nước không thể thu hồi và càng không thể coi đây là tài sản bồi thường. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong luật Nhà nước thu hồi đất và trưng mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thuộc các trường hợp sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là tài sản thuộc sở hữu của người dân, không phải sở hữu Nhà nước. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý khi quy định thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhân dân. Đại biểu nhấn mạnh cần bảo đảm hài hòa mục tiêu thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội với an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ khó đạt được, gây khiếu kiện, tranh chấp, phức tạp trong xã hội.

Đánh giá việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề xuất cần sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Khi tính toán bồi thường tái định cư cần quan tâm kế sinh nhai của người có đất bị thu hồi; có những quy định đặc thù áp dụng với các đối tượng như người già, người hết tuổi lao động… Đại biểu đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế công bằng: đất đổi đất, nhà đổi nhà; người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới; nâng mức hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, bắt buộc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người nông dân sau khi thu hồi đất…

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích trên thực tế các dự án phát triển kinh tế - xã hội để các chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân về giá sẽ khó thực hiện, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để thuận lợi trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận của người dân có đất trong dự án, đại biểu tán thành thống nhất tư vấn định giá đất theo nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 110 của dự thảo Luật. Giá đất khi xây dựng phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của các loại đất có cùng mục đích sử dụng... Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề xuất cần nghiên cứu quy định bồi thường đất 1 lần hoặc nhiều lần để người dân lựa chọn phương án phù hợp; khi bổi thường cần lưu ý tới yếu tố trượt giá….

*Còn quan điểm khác nhau về Quỹ phát triển đất

Liên quan đến vấn đề thành lập Quỹ phát triển đất quy định trong Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng quy định nguồn tài chính để hình thành quỹ phát triển đất được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và được sử dụng vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là chưa phù hợp vì quỹ phát triển đất chỉ thực hiện ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn cho Quỹ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) nêu Điều 109 Dự thảo Luật bổ sung thêm Quỹ phát triển đất để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, xây dựng khu nhà tái định cư và giao cho tổ chức này trực tiếp quản lý quỹ đất. Tuy nhiên, theo đại biểu nguồn tài chính của Quỹ phát triển đất được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong khi đó Dự thảo Luật quy định tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp và theo lộ trình sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý là không phù hợp với quy định pháp luật, làm phân tán nguồn tài chính quốc gia, tăng bộ máy và biên chế. Mặt khác, đại biểu viện dẫn theo thống kê 35 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ phát triển đất cho thấy, do điều kiện cụ thể của địa phương nên mô hình quản lý của quỹ này còn nhiều hạn chế... Đại biểu đề nghị không quy định thành lập Quỹ phát triển đất. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cũng tán thành với quan điểm này cho rằng việc thành lập Quỹ là không phù hợp với Luật ngân sách nhà nước, làm tăng bộ máy biên chế …. Đại biểu đề nghị trong trường hợp vẫn thành lập Quỹ phải thực hiện theo đúng luật ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, gọn nhẹ...

* Làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai

Tán thành, thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo về quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”, các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với hướng phát triển của đất nước. Một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng

Khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, quan điểm này cần thể hiện xuyên suốt ở các chương, điều và phải tách bạch rõ quyền, nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu cũng như quyền, trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quyền quản lý hành chính về đất đai. Theo đại biểu, hai nhiệm vụ: Đại diện chủ sở hữu khác nhiệm vụ quản lý. “Nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu thì phải thông qua ý kiến của nhân dân hoặc đại diện của nhân dân. Ví dụ như quyền quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thông qua Quốc hội hoặc HĐND”, đại biểu nói.

Trên cơ sở lập luận đó, đại biểu Hùng kiến nghị cấu trúc, thứ tự của Luật phải xoay quanh mối quan hệ giữa người sử dụng đất và Nhà nước trong việc khai thác, quản lý tài nguyên đất đai một cách hiệu quả nhất. Do đó, cần làm rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong tất cả các điều khoản của dự thảo.

Cùng quan điểm này, đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng: Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là hoàn toàn phù hợp chế độ Nhà nước ta hiện nay; bởi đất đai là công cụ cơ bản để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế đất nước và ổn định xã hội.

Đại biểu Chu Lê Chinh
Đại biểu Chu Lê Chinh

* Xây dựng cơ chế để người bị thu hồi đất tham gia ý kiến vào quá trình thu hồi

Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đặt vấn đề, thời gian qua, quy định về thủ tục thu hồi đất còn sơ sài, chung chung, chưa tách các trường hợp vi phạm pháp luật do quá thời hạn giao đất; chưa có quy định cụ thể về việc thông báo thời hạn thu hồi đất. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn thời điểm trước khi thu hồi đất và thời điểm ra quyết định thu hồi đất. Đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo cần xây dựng cơ chế để người bị thu hồi đất tham gia ý kiến vào quá trình thu hồi; xây dựng phương án bồi thường, tái định cư để tránh những khiếu nại kéo dài, vượt cấp, gây lãng phí thời gian, tiền bạc doanh nghiệp và nhân dân.

Đề cập đến những khó khăn của người bị thu hồi đất như xáo trộn nơi ở, cuộc sống, thiệt thòi về tài sản, vật chất, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung Điều 73 của dự thảo theo hướng: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 74 của Luật này thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, nếu không có đất hoặc nhà ở để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất phù hợp với thực tế ở địa phương và hỗ trợ tổn thất, thu nhập”.

Băn khoăn về Điều 12 “Những hành vi bị nghiêm cấm” trong dự thảo Luật chưa đề cập nhiều đến việc chống lạm quyền của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quản lý đất đai, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định: Cấm cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai từ chối cung cấp thông tin, cung cấp sai thông tin, cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Quy định như vậy để thể hiện quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm hành vi lạm quyền trong quản lý đất đai, đại biểu Lợi nhấn mạnh.

* Tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là vấn đề thu hút nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu trong buổi thảo luận chiều nay. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, dự thảo luật cần quy định cụ thể quyền tham gia ý kiến của người dân trong công tác này để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý đất đai.

Đề cao cơ chế đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Bùi Sỹ Lợi viện dẫn, nhiều người dân phàn nàn về việc luôn bị động trước quy hoạch của Nhà nước, do hầu như không được tham gia vào quá trình này. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một mục hoặc một điều quy định rõ trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân trong lập quy hoạch sử dụng đất các cấp.

Đánh giá những năm qua, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn quá nhiều bất cập, là nguyên nhân gây lãng phí, khiếu kiện trong nhân dân, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật những loại đất đai nằm trong quy hoạch sử dụng đất thì bị hạn chế quyền sử dụng đất như thế nào, tránh quy định kiểu chung chung, dễ gây hiểu lầm khi áp dụng.

Góp ý về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 37), đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) và một số đại biểu khác đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét việc kéo dài kỳ quy hoạch, kỳ kế hoạch từ 20 năm lên 50 năm để phù hợp với các dự án bất động sản có thời hạn sử dụng đất thông thường.

* Đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất

Nhấn mạnh đến chính sách bồi thường tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, tài sản gắn liền với đất là loại tài sản thuộc quyền sở hữu của người dân. Đại biểu đề nghị, để đảm bảo lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất, dự thảo Luật cần bổ sung quy định việc bồi thường tài sản này theo chính sách, pháp luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

Nêu quan điểm về việc bồi thường, thu hồi, hỗ trợ, nhất là vấn đề bồi thường và tái định cư, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đánh giá, quy định của dự thảo còn nhiều bất cập. Theo đại biểu Trường, trên thực tế, trong quá trình thực hiện bồi thường, phê duyệt dự án khu tái định cư, hoàn thiện khu tái định cư, việc đưa người dân đến khu tái định cư sinh sống rất khó thực hiện. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại biểu là do sự thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt của những mô hình khu tái định cư. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xác định cụ thể mức bồi thường trong trường hợp dự án liên quan đến nhiều địa phương, tránh tình trạng người được bồi thường trước sẽ tiếp tục đòi bồi thường bằng với người được bồi thường ở thời điểm sau.

Tổng hợp 45 ý kiến phát biểu sau một ngày thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung cơ bản trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng phát biểu nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Luật; phân tích sâu sắc những nội dung tán thành và không tán thành; đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai và giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; công việc giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau và sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu để làm cơ sở cho việc chỉnh lý, soạn thảo Luật, báo cáo lại Quốc hội xem xét quyết định.

(Theo TTXVN)

;
.