Khai mạc Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội: Bàn thảo nhiều vấn đề nhằm thể chế hóa Luật Thủ đô
Ngày 1/7, Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức khai mạc. Các đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng dự và chỉ đạo kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Kỳ họp này tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, thảo luận thông qua 11 vấn đề để thể chế hóa Luật Thủ đô; lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND bầu; kiện toàn nhân sự, tăng cường đại biểu chuyên trách ở các ban HĐND để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của HĐND thành phố. Bà Ngô Thị Doãn Thanh lưu ý: Đây là kỳ họp hết sức quan trọng, bàn thảo thông qua nhiều vấn đề lớn của Thủ đô, đòi hỏi các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Hà Nội với vị thế là Thu đô, là Trung tâm chính trị hành chính quốc gia, thời gian qua đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND, HĐND các cấp... Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các vấn đề về kinh tế - xã hội, dư nợ tăng thấp, các cấp, các ngành quan tâm đến phát triển doanh nghiệp, công tác quy hoạch quản lý đô thị tăng cao, cải cách hành chính được đẩy mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp |
Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, những tháng cuối năm, Hà Nội cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm đưa Luật Thủ đô vào đời sống. Tập trung tái cơ cấu kinh tế, đưa ra các giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thành phố cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong điều hành và đổi mới tư duy làm việc, trong đó đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện giải quyết các thủ tục. Tại kỳ họp này, ngoài việc tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, thảo luận thông qua các vấn đề để thể chế hóa Luật Thủ đô; kiện toàn nhân sự... để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình, HĐND thành phố còn lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND bầu. Đây là một nội dung quan trọng của các địa phương trên cả nước nói chung, HĐND thành phố Hà Nội nói riêng. Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HDND bầu phải công tâm, khách quan, minh bạch, mang tính xây dựng; không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để hạ thấp uy tín của nhau, gây mất đoàn kết nội bộ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị, HĐND thành phố tập trung thảo luận, đánh giá kết quả cũng như hạn chế, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh cải cách hành chính bằng những chương trình hành động thiết thực. Xuất phát từ đặc điểm, tình hình của Hà Nội, những đòi hỏi của cuộc sống, các cấp cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Luật Thủ đô.
Về lấy phiếu tín nhiệm, Bí thư Thành ủy cho biết, đây là công việc quan trọng, việc xem xét, đánh giá các chức danh phải thận trọng, công tâm, khách quan, căn cứ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cá nhân của cán bộ. Người được đánh giá phải coi đây là thử thách mà mỗi người phải trải qua, đồng thời là cơ hội để hiểu rõ hơn về uy tín và trách nhiệm của mình trước công việc và lĩnh vực được giao phụ trách. Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch bố trí và sử dụng cán bộ.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nêu rõ: Trong điều kiện kinh tế khó khăn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp chính quyền thành phố triển khai thực hiện tích cực các giải pháp nên vẫn duy trì tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm trước, góp phần ổn định đời sống nhân dân và kinh tế vĩ mô cả nước.
Báo cáo đã nêu lên nhiều hạn chế bất cập như: Trong điều kiện kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh vẫn duy trì được ở mức tăng trưởng khá, tuy nhiên thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 7,67%, cao hơn mức tăng 4,89% quý I của cả nước, nhưng thấp hơn kế hoạch năm là 8,0 - 8,5%. Tỷ lệ thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ năm trước và so với dự toán. Việc làm, thu nhập và đời sống một bộ phận nhân dân vẫn còn hết sức khó khăn.
Tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới và trong nước chậm được phục hồi, yếu kém nội tại của nền kinh tế... Song nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số ngành, cấp, giải quyết công việc còn chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động sáng tạo; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; sự phối kết hợp của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả; kỷ cương hành chính chưa nghiêm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đưa ra mục tiêu để các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô thực hiện trong thời gian tới là cần tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp: Hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; thực hiện các chính sách tài khóa; tháo gỡ thị trường bất động sản trên địa bàn; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của thành phố; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình hành động số 22/Ctr-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố./.
(Theo TTXVN)