Tiếp nhận 14.066 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thứ Hai, 02/02/2015, 11:01 [GMT+7]
Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tập trung lực lượng để giải quyết dứt điểm vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm và các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong lĩnh vực đất đai.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được toàn ngành triển khai theo hướng tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài, coi trọng đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, đánh giá đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc để đề xuất biện pháp giải quyết có lý, có tình, có tính khả thi, tăng cường công tác hòa giải để chấm dứt được khiếu nại. Lãnh đạo Bộ định kỳ và đột xuất tiếp công dân theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân.Công tác phối hợp giữa Bộ và các địa phương được tăng cường, tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và chính trị xã hội. Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai.
 
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của ngành Tài nguyên
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của ngành Tài nguyên
Trong năm 2014, toàn ngành đã tiếp nhận 14.066 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đã giải quyết xong 2.626/3.628 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao (đạt 72%). Trong đó, Bộ đã tiếp nhận 4.021 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai (tương đương năm 2013), 98% số đơn thuộc lĩnh vực đất đai. Qua phân loại có 2.527 đơn trùng, không đủ điều kiện xử lý (chiếm 62,84%). Trong 1.494 đơn đủ điều kiện xử lý, có 14 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, 20 vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ. Đã thẩm tra, xác minh 12/14 vụ việc Thủ tướng Chính phủ. Đã thẩm tra xác minh 17/20 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết.
Thực hiện Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ, Bộ đã rà soát, phân loại và lập danh sách các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, gồm: 11 vụ việc đã được Bộ, Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết, đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ hoặc đang chờ ý kiến của Thanh tra Chính phủ nhưng người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại; 88 vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết có quyết định giải quyết lần hai nhưng người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại.
Tuy nhiên, đơn thư gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường có tỷ lệ đơn trùng do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi khác nhau (chiếm khoảng 61%); hầu hết là vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ (vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ khoảng 2% số vụ việc). Trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp về đất đai, tuy các địa phương đã có những chuyển biến tích cực, song việc quan tâm đến công tác hòa giải, công tác đối thoại trực tiếp của người đứng đầu chưa đúng mức nên chưa chấm dứt được khiếu nại (qua giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền và rà soát, giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hòa giải thành một số vụ việc kéo dài từ nhiều năm). Nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật, có trường hợp đã rà soát nhiều lần để có hướng giải quyết có lý, có tình, được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo chấm dứt xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan, cả cơ quan Đảng và Quốc hội, nhiều trường hợp công dân giấu thông tin để được các cơ quan này chuyển đơn, dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo không có điểm dừng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật, có tâm lý ngại khởi kiện ra cơ quan Tòa án; thậm chí lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian, không chấp hành quyết định hành chính, có trường hợp cố tình gây rối, coi thường pháp luật và chống đối cán bộ, người có thẩm quyền. Nguồn nhân lực làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ với các địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo tính thống nhất và đạt hiệu quả cao trong toàn ngành.Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân. Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai, trong quá trình giải quyết chú trọng công tác hòa giải, vận động, thuyết phục; giải quyết dứt điểm, hạn chế tái khiếu, tái tố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Nhã Lan
(Thanh tra Chính phủ)
;
.