Kon Tum: Ban Nội chính Tỉnh ủy giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Hai, 18/08/2014, 15:03 [GMT+7]
Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Sa Thầy.
Kết quả giám sát cho thấy, thời gian qua các lực lượng chức năng: Kiểm lâm, Công an, Bộ đội biên phòng, chủ rừng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tuần tra, kiểm soát, truy quét, phát hiện và xử lý các hành vi khai thác lâm sản, chặt phá rừng làm nương rẫy trái phép... góp phần bảo vệ và phát triển vốn rừng - nguồn tài nguyên quí báu của quốc gia, lá phổi xanh của trái đất. 
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum bắt giữ gỗ khai thác trái phép
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum bắt giữ gỗ khai thác trái phép
Tuy nhiên, tình hình vi phạm các của quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương vẫn diễn ra phức tạp. Tính riêng từ đầu năm 2013 đến hết tháng 7 năm 2014, trên địa bàn huyện Sa Thầy, lực lượng chức năng đã phát hiện 284 vụ vi phạm, trong đó: 16 vụ vi phạm quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng, 85 vụ phá rừng trái phép gây thiệt hại gần 48 ha, 14 vụ khai thác rừng trái phép với khối lượng gần 288 m3, 169 vụ vận chuyển, mua bán, kinh doanh trái phép với khối lượng trên 1000 m3.
Hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Các đối tượng đầu nậu không ra mặt, đứng phía sau xúi giục và trang bị phương tiện cho người dân vào rừng khai thác trái phép, vận chuyển bằng xe máy ra bán lại cho các đầu nậu đưa đi tiêu thụ. Đáng lưu ý, các đầu nậu thường bảo kê cho một số đối tượng thanh niên nghiện hút, chích... khai thác rừng trái phép tại khu vực phía Nam của huyện Sa Thầy. Các đối tượng này thường rất liều lĩnh đe dọa cán bộ quản lý, bảo vệ rừng.
Qua hoạt động giám sát, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum đã kiến nghị một số chủ trương, giải pháp như: bổ sung biên chế, điều kiện phương tiện làm việc cho lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng, phân định rõ phạm vi, chế độ trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng... Đối với các loại xe ô tô, xe máy độ chế (là các phương tiện chủ yếu được sử dụng để vận chuyển gỗ, lâm sản từ việc khai thác, chặt phá rừng trái phép), lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an cần tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về cấm lưu hành, kiên quyết tịch thu, phá hủy nếu vi phạm.
Thái Văn Ngọc 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)
;
.