Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động điều tra hình sự
Thứ Sáu, 13/06/2014, 10:35 [GMT+7]
Ngày 12-6, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động điều tra hình sự”. Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo |
Theo Báo cáo tại Hội thảo, hoạt động điều tra hình sự ở nước ta được xác định là một trong những nhiệm vụ, bộ phận quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt. Qua 10 năm kể từ khi triển khai thi hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, hoạt động này đã có những bước phát triển mới về chất, các cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết gần 700.000 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân tiến hành khởi tố, điều tra trên 97% số vụ án hình sự được phát hiện với khoảng 99% số bị can. Các cơ quan điều tra cũng đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan, tổ chức khắc phục các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm cũng như các tiêu cực xã hội khác. Những cố gắng và kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo lập môi trường ổn định, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, hoạt động điều tra hình sự cũng bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cần sớm được giải quyết. Trước những yêu cầu đổi mới hoạt động điều tra hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng.
Để có thêm luận cứ góp phần hoàn thiện lý luận về điều tra hình sự, đáp ứng yêu cầu chỉ dẫn thực tiễn phức tạp của hoạt động này, lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 57 ngày 26/02/2014, giao Tạp chí Công an nhân dân chủ trì phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch Hội thảo. Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận 60 báo cáo khoa học có chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, đề cập toàn diện về các vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động điều tra hình sự của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay, nhất là từ khi triển khai thi hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành có liên quan, Công an các đơn vị, địa phương, các nhà nghiên cứu có uy tín, hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm trong và ngoài ngành Công an nhân dân. Kết quả Hội thảo khoa học sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để hoàn thiện lý luận về điều tra hình sự trong tình hình mới.
Nguyễn Thế Anh
(Bộ Công an)
;