Thái Bình: Kết quả công tác cải cách tư pháp

Thứ Tư, 12/02/2014, 14:08 [GMT+7]
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác cải cách tư pháp, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX), Kết luận số 79- KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X), Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23-11- 2012 của Quốc hội và Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp các năm của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Thường trực Tỉnh ủy duy trì thường xuyên chế độ giao ban định kỳ với các huyện, Thành ủy, các cơ quan nội chính và các ngành liên quan; kịp thời nghe và cho ý kiến về đường lối giải quyết những vụ án quan trọng theo quy định tại Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và quy chế làm việc của cấp uỷ. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp tập trung giải quyết kịp thời, chính xác một số vụ việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương.
Hội đồng nhân dân, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; mở rộng các hình thức phát huy dân chủ để tranh thủ sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, các Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và các đảng ủy Công an, Thanh tra tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp, nâng cao chất lượng công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ liên quan, góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Các ngành công an, viện kiểm sát, toà án, tư pháp, thi hành án căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình công tác hằng năm, triển khai thực hiện từng việc cụ thể, bảo đảm chất lượng và thời gian quy định; gắn việc kiểm tra, triển khai nhiệm vụ công tác năm với kiểm tra thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Đảng ủy Công an tỉnh và ngành công an thường xuyên củng cố kiện toàn công tác lãnh đạo chỉ huy và hoạt động của cơ quan điều tra. Rà soát, bổ sung, xây dựng các nội quy, quy định về các thông tin báo cáo, thông tin tội phạm, phân công trách nhiệm cho các điều tra viên trong công tác điều tra, xử lý án, quản lý đối tượng bị tạm giữ, tạm giam. Năm 2013, đã thụ lý điều tra 1.086 vụ án, 1.794 bị can. Trong đó, khởi tố mới 867 vụ, 1.484 bị can, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 829 vụ, 1.431 bị can; đình chỉ điều tra 19 vụ, 26 bị can; tạm đình chỉ điều tra 49 vụ, 37 bị can đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; kiểm sát cnặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án, điều tra kịp thời, sát đúng; kiên quyết yêu cầu khởi tố, thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ những quyết định thiếu căn cứ để bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội. Đề cao trách nhiệm, kiểm sát chặt chẽ, bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật. Chỉ đạo Kiểm sát viên làm tốt công tác chuẩn bị trước phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng tham gia xét hỏi, tranh luận.
Quá trình giải quyết vụ án, các trình tự, thủ tục tố tụng được chú trọng và thực hiện chặt chẽ, bảo đảm tính dân chủ, công khai, nghiêm minh của pháp luật do đó chất lượng xét xử và tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên rõ rệt. Năm 2013, ngành toà án đã thụ lý, giải quyết 2.991/3.355 vụ, việc, đạt 89,2% (tăng 153 vụ, việc so với năm 2012). Đặc biệt, công tác xét xử các vụ án hình sự, việc xét hỏi và tranhjụng tại phiên toà được đổi mới và có chuyển biến mạnh mẽ.
Thời gian tới, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các chủ trương của Bộ, ngành Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách tư pháp; gắn cải cách tư pháp với cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với cơ quan tư pháp. Xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác, đạo đức nghề nghiệp các luật sư, đáp ứng yêu cầu bào chữa, tranh tụng. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương...
 
Nguyễn Thị Khánh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
;
.