Hội thảo góp ý vào Báo cáo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Sáng 18-10-2013, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý vào Báo cáo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Hội thảo được thực hiện với sự giúp đỡ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ và Bộ Tư pháp là cơ quan điều hành. Đồng thời, đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ của Tiểu dự án của Ban Nội chính Trung ương về “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo. Tham gia chủ trì có ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách UNDP.
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến lĩnh vực tư pháp của một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương và Hà Nội, gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Hội luật gia Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Tư pháp, Cơ quan cảnh sát điều tra và Cơ quan thi hành án hình sự Công an thành phố Hà Nội.
Các đại biểu đại diện cho Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan cảnh sát điều tra của một số tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình; đại diện các vụ, đơn vị chức năng của Ban Nội chính Trung ương, các nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế tới dự và đóng góp cho Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh nhấn mạnh: BLTTHS của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành năm 1988, để phù hợp với tiến trình đổi mới đất nước và cải cách tư pháp, BLTTHS đã 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1992, 2000 và năm 2003. BLTTHS năm 2003 được ban hành đã thể chế hóa một bước yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước; có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp hình sự; qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan và người tiến hành tố tụng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bộ luật là cơ sở pháp lý quan trọng, có ảnh hưởng và tác động tích cực đến kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng các quy định của BLTTHS vào thực tiễn cho thấy: Bộ luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trong đó đáng chú ý là: chức năng cơ bản của tố tụng hình sự (chức năng: buộc tội - bào chữa - xét xử) chưa được phân định rõ ràng; vai trò, thẩm quyền, sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các chủ thể tiến hành tố tụng và trình tự tiến hành các thủ tục trong tố tụng chưa rành mạch, phù hợp; thẩm quyền tố tụng chủ yếu vẫn tập trung vào thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng, trong khi đó thẩm quyền của những người trực tiếp tham gia tố tụng để giải quyết vụ án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương tập trung chủ yếu vào giải quyết các vụ án cụ thể, chưa chú trọng nhiều cho công tác tổng kết, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định nhằm tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa tham gia tố tụng… chưa được nghiên cứu toàn diện và thể hiện đầy đủ trong BLTTHS.
Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, thì việc khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là rất cần thiết.
Quang cảnh Hội thảo |
Trên tinh thần đó, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 với sự tham gia của một số chuyên gia pháp lý trong nước và quốc tế cùng với nhóm chuyên viên nghiên cứu của Ban hoàn thành dự thảo “Báo cáo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Báo cáo này đã khái quát kết quả, hạn chế, khó khăn, vướng mắc qua thi hành BLTTHS năm 2003; phân tích, đánh giá các nghiên cứu đã có về sửa đổi, bổ sung Bộ luật; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị, định hướng một số nội dung lớn về sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS hiện hành.
Tại Hội thảo, nhóm chuyên viên nghiên cứu đã trình bày các tham luận: “Sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLTTHS liên quan đến giai đoạn xét xử”; “Nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; “Một số vấn đề hoàn thiện quy định của BLTTHS trong giai đoạn xét xử”. Nhiều ý kiến trao đổi thảo luận đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu, những đề xuất sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003, nhiều ý kiến thống nhất với nội dung nghiên cứu, tuy nhiên cũng có ý kiến chưa đồng tình với một số nội dung được nêu trong Báo cáo đề nghị chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao nhóm chuyên viên nghiên cứu đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLTTHS năm 2003; đồng chí cũng ghi nhận sự đóng góp ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề cập nhiều vấn đề, bổ sung thêm cho Báo cáo; đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLTTHS một cách có chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu phát biểu tại Hội thảo và đề nghị nhóm chuyên viên nghiên cứu tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, nêu rõ những mặt hạn chế, bất cập của quá trình 10 năm thực hiện BLTTHS, nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, bảo đảm khi luật ra đời có tính khả thi cao, áp dụng tốt trong thực tiễn; phù hợp yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Thu Hà - Đặng Phước
(Ban Nội chính Trung ương)