Ban Nội chính Trung ương: Tọa đàm "Tham nhũng vặt" - Thực trạng và giải pháp phòng, chống
Thứ Hai, 28/05/2018, 15:07 [GMT+7]
Ngày 25-5, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Tham nhũng vặt - Thực trạng và giải pháp phòng, chống”.
Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang chủ trì buổi Tọa đàm. Tham gia có cán bộ đại diện một số Vụ, đơn vị Ban Nội chính Trung ương; Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy: Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan khối Nội chính, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tỉnh Hậu Giang.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm |
Theo Báo cáo đề dẫn Tọa đàm, “tham nhũng vặt” là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền của Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải “lo lót”, “bôi trơn” vì mục đích vụ lợi cá nhân. Đặc trưng của tham nhũng vặt là giá trị vật chất của hối lộ không lớn thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, song xảy ra khá phổ biến, gần như trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội như: Lĩnh vực xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh; đấu thầu, đầu tư, xây dựng; xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; lĩnh vực tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt…; trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Hải quan, Tư pháp, Hộ tịch…
“Tham nhũng vặt” gây hậu quả lớn, kìm hãm sự phát triển kinh tế, gây khó khăn cho địa phương trong xây dựng môi trường cạnh tranh, kêu gọi đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào chế độ; nguy cơ làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự tồn vong của chế độ…
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại buổi Tọa đàm tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng, diễn biến của tham nhũng vặt nói chung và ở địa phương nói riêng; phân tích nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng tham nhũng vặt ở các lĩnh vực phổ biến dễ phát sinh tham nhũng vặt; hậu quả, tác hại của tham nhũng vặt đối với nền kinh tế thị trường nói chung, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng; hậu quả, tác hại của tham nhũng vặt đối với hệ thống chính trị, đối với sự tồn vong chế độ, của dân tộc; các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt hiện nay; mối quan hệ giữa các hành vi tham nhũng vặt với các vụ án tham nhũng lớn, liên hệ một số vụ án, vụ việc xảy ra ở địa phương.
Các ý kiến phát biểu cũng nêu một số kinh nghiệm nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng vặt như: Kinh nghiệm tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy triển khai các giải pháp phòng ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt của cán bộ, công chức ở địa phương; kinh nghiệm phát huy Quy chế phối hợp đã ký với các cơ quan trong khối Nội chính nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý tham nhũng vặt, tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; kinh nghiệm công tác tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tham nhũng vặt…
Đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu |
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã thống nhất một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng vặt là: (1) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; (2) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và tính tiên phong, nêu gương của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng; (3) Đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; (4) Triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; (5) Củng cố, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy, thành ủy cho cấp ủy địa phương chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận hối lộ của người dân và doanh nghiệp; (6) Quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng. (7) Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND và Mặt trận Tổ quốc các cấp, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, cơ quan dân cử về phòng, chống tham nhũng; (8) Nâng cao giá trị đạo đức và ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin trong thời gian qua, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh, không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, tạo niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm của Đảng và Nhà nước về công tác này.
Nhấn mạnh về thực trạng và tác hại của “Tham nhũng vặt”, có biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn xảy ra, gây bức xúc cho nhân dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị; tham nhũng vặt tạo tiền đề tham nhũng lớn. Đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, đồng thời bảo vệ, phát huy được nhân tố tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phát huy được vai trò của nhân dân, xã hội như Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội... trong phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận |
Công tác chống tham nhũng phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc “không có vùng cấm, không có vùng trống”, bất kỳ ai tham nhũng đều bị xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, đồng thời đúng trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chống tham nhũng trước tiên trong chính các cơ quan chống tham nhũng. Coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ nhằm thực hiện được “ba không” trong phòng, chống tham nhũng “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”.
Đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương mong muốn các địa phương chung tay đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
P.V
;