Tình hình tội phạm tham nhũng và một số giải pháp

Thứ Bảy, 03/05/2014, 07:13 [GMT+7]

1. Tình hình đấu tranh chống tham nhũng
Công tác thanh tra, kiểm tra
Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 6.312 tổ chức, đơn vị và phát hiện 85 tổ chức, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của mình. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra về thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và đã phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng(1).
Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất và đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5.053,5 tỷ đồng, 1.374 ha đất. Đến cuối năm 2013, đã thu hồi được 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng, 51 ha đất. Đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân; ban hành 153.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân; chuyển Cơ quan điều tra xử lý hình sự 50 vụ việc/52 đối tượng. Hoạt động Kiểm toán Nhà nước cũng đã góp phần quan trọng cho công tác đấu tranh chống tham nhũng, đã triển khai 102/148 cuộc kiểm toán theo kế hoạch (đạt 68,9%) và kết thúc 72 cuộc (đạt 70,6%); 56 cuộc kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán được xét duyệt (đạt 77,8%); ký phát hành 53 báo cáo kiểm toán (đạt 73,6%). Qua công tác kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 9.046,2 tỷ đồng (tăng thu 1.403,7 tỷ đồng, giảm chi 1.786,3 tỷ đồng; các khoản phải nộp hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước 4.245 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện 631,3 tỷ đồng; các sai phạm khác 979,9 tỷ đồng); kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung 17 văn bản không phù hợp; kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với 48 tập thể và 13 cá nhân; chuyển Cơ quan điều tra, thanh tra 03 vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan có thẩm quyền 12 bộ hồ sơ để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật(2).

Công tác điều tra tội phạm tham nhũng
Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đến cuối năm 2013 trên địa bàn cả nước đã phát hiện và tiến hành xử lý 404 vụ và 1.030 bị can với tổng thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và 97.588 m2 đất, với nỗ lực của các lực lượng đã thu hồi được 2.511,016 tỷ đồng và 13.440 m2 đất (trong đó, khởi tố mới năm 2013 là 251 vụ/622 bị can). Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã tiến hành và điều tra làm rõ, kết thúc điều tra nhiều vụ án phức tạp như vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, như vụ án nghiêm  trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (vụ Vinalines) và vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc hoàn tất điều tra vụ án phức tạp chuyển sang truy tố và xét xử đã có tác dụng tích cực đối với dư luận xã hội(3).

Công tác truy tố và xét xử tội phạm tham nhũng
Trong năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 335 vụ/803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ/202 bị can so với năm 2012). Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao 2013, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ/584 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 111 vụ/246 bị cáo so với năm 2012), trong đó số bị cáo cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% (giảm so với tỷ lệ 34,2% của năm 2012)(4). Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm túc và kiên quyết. Lần đầu tiên chúng ta đã tuyên 04 án tử hình đối với 02 vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc đưa ra bản án nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng phần nào lấy lại lòng tin của nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTN.

2. nguyên nhân của tình hình tội phạm
Nghiên cứu tình hình tội phạm tham nhũng ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy:
Nguyên nhân khách quan
- Những tàn dư lạc hậu, lỗi thời của thời kỳ phong kiến và bao cấp vẫn còn tồn tại nặng nề với quan điểm, lối sống cổ hủ, quan liêu, ỷ lại của một bộ phận không nhỏ cán bộ nhà nước đã làm trì trệ sự phát triển đất nước. Chính những quan điểm công tư lẫn lộn, xử lý công việc còn trọng tình hơn lý, ngại đấu tranh với sai trái đã làm tiêu cực phát sinh và tham nhũng phát triển.
- Chúng ta đang chuyển đổi hình thái kinh tế, bước đầu thiết lập thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển dịch này đã tạo ra sự năng động phát triển kinh tế đất nước; tuy nhiên, nền kinh tế thị trường của chúng ta còn sơ khai, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện. Đây là điều kiện để chủ nghĩa cá nhân phát triển, kích thích tâm lý hưởng thụ, làm giàu bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật. Mở cửa hoạt động thương mại quốc tế đón nhận đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài đã làm cho tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Song, quy định pháp luật, cơ chế quản lý và điều phối, trình độ cán bộ làm việc trong bộ máy cơ quan công quyền chưa đáp ứng được đòi hỏi đã tạo ra nhiều lỗ hổng, nhiều lĩnh vực bị bỏ ngỏ để các đối tượng tham nhũng lợi dụng thực hiện tội phạm.
- Chúng ta đang chịu nhiều thách thức từ các thế lực thù địch, chúng không ngừng chống phá chúng ta về mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến chính trị. Điều này đã làm ảnh hưởng đến lập trường chính trị, tư duy kinh tế, quan hệ ngoại giao, quan hệ nội bộ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, từ đó làm chậm quá trình hội nhập, quá trình hiện đại hóa đất nước. Khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ, tạo ra những cản trở sự phát triển, nhũng nhiễu, trì trệ… là những thủ đoạn mà bọn chúng có thể sử dụng.
Nguyên nhân chủ quan
Hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, quan liêu nặng nề; quá trình cải cách hành chính chậm chạp, còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính rườm rà và là điều kiện để nhiều cán bộ gây sách nhiễu và tham nhũng. Sự lỏng lẻo trong quản lý kinh tế, tình trạng xin - cho, ban phát vẫn diễn ra phổ biến; đây là kiều kiện nảy sinh tham nhũng.
Công tác quản lý tài sản công chưa tốt. Thực tế cho thấy, nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế có nguồn vốn sở hữu nhà nước quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, vụ lợi cá nhân... dẫn đến sử dụng vốn trái phép, chiếm dụng vốn, tham ô, gây thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Thực hiện cổ phần hóa là một tất yếu để đẩy nhanh, mạnh quá trình phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên nếu không có cơ chế minh bạch đánh giá chính xác về nội dung hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thẩm định, đánh giá tài sản của doanh nghiệp thì dễ làm nảy sinh tham nhũng. Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp khi chuẩn bị cổ phần hóa đã làm ăn thua lỗ, giảm đầu tư, máy móc hỏng… để định giá tài sản giảm. Nhưng, sau khi đã cổ phần hóa thì làm ăn có hiệu quả, cổ phần, cổ phiếu tăng và lỗ thật thuộc về Nhà nước; thậm chí, có tình trạng thông đồng với Hội đồng định giá tài sản để định giá tài sản thấp hơn nhiều so với giá trị thực để vụ lợi cá nhân. Cơ chế pháp lý và điều kiện bảo đảm thực thi chống tham nhũng chưa được bảo đảm. Mặc dù trong những năm qua, pháp luật của chúng ta đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều đạo luật liên quan đến đấu tranh chống tham nhũng đã ban hành, tuy nhiên chưa đầy đủ, rõ ràng và đặc biệt thiếu quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng nên chưa hiệu quả trên thực tiễn. Chúng ta chưa có luật minh bạch về thông tin và tiếp cận thông tin nên các cơ quan, tổ chức và người dân khó tiếp cận với thông tin về tài chính hay hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư… của các doanh nghiệp, những người điều hành sản xuất kinh doanh, giám sát chi tiêu ngân sách của Nhà nước nên khó có thể đấu tranh với tình trạng tham nhũng và lãng phí.
Cơ chế minh bạch về thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn chưa được thực hiện hiệu quả, do vậy khó có thể đánh giá được tài sản và thu nhập cán bộ có chức, có quyền. Chứng minh nguồn thu nhập chưa thực hiện được, trong khi chúng ta vẫn đang thực hiện cơ chế sử dụng “tiền mặt”, hơn nữa, chưa có cơ chế kiểm tra và đánh giá thường xuyên tài sản của cán bộ có chức, có quyền thì khó có thể đấu tranh với tham nhũng.
Quá trình cải cách tư pháp phục vụ đấu tranh chống tham nhũng diễn ra chậm và chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta đã có Luật PCTN, trong Bộ luật hình sự đã có một chương về tội tham nhũng, nhưng quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, thực thi không nghiêm nên tính răn đe không cao. Chức năng nhiều cơ quan còn chồng chéo, không rành mạch, kết quả hoạt động thiếu công khai, minh bạch nên khó giám sát. Trách nhiệm và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng, cụ thể nên khi sai sót xảy ra đều quy cho lỗi của tập thể lãnh đạo và khó xử lý cá nhân. Đội ngũ bộ máy công chức thiếu tính chuyên nghiệp, hiện đại. Văn hóa từ chức, văn hóa nhận lỗi khi mắc sai phạm chưa thành hiện thực, chính vì vậy nhiều khi nó trở nên hình thức hóa và không hiệu quả. Bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng không kiểm soát được đã tạo ra những tiêu cực trong xã hội. Tình trạng hám danh, chạy chức, chạy quyền còn diễn ra phổ biến và là nguyên nhân cơ bản của tình trạng tham nhũng.
Công tác điều tra, truy tố và xét xử người phạm tội tham nhũng chưa nghiêm minh, dứt điểm, còn có tình trạng bao che nên ở một số nơi xem thường pháp luật. Nhiều vụ án tham nhũng xử lý không nghiêm, hình phạt áp dụng còn nhẹ. Tính đến năm 2013, tỷ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 30,8% (năm 2010 là 36,5%, năm 2011 là 37,1% và năm 2012  là 34,2%) cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%)(5). Tham nhũng thuộc nhóm tội nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm nhưng báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nhiều tòa án xử rất nhẹ. Qua tổng kết xét xử hằng năm của Tòa án nhân dân tối cao cũng cho thấy, có địa phương xét xử 09 bị cáo tham nhũng thì có 08 bị cáo được hưởng án treo, thậm chí có địa phương xét xử 10 bị cáo tham nhũng thì tuyên cả 10 bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Chính vì vậy, khiến dư luận cho rằng, Tòa án xử nghiêm với dân nhưng ưu ái cán bộ và việc xử nhẹ tội phạm tham nhũng đang làm giảm lòng tin của người dân vào quyết tâm PCTN. Như vụ xét xử Đào Phước Thành, 57 tuổi, nguyên nhân viên Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cát Tường, Tòa án đã tuyên 04 năm tù về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Liên quan trong vụ án, nguyên hai cán bộ hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn, khu vực 3, TP. Hồ Chí Minh gồm Nguyễn Văn Hạnh hưởng 30 tháng tù cho hưởng án treo và Trần Thanh Lâm hưởng 02 năm tù cho hưởng án treo cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Nghiêm trọng, có trường hợp khi phát hiện sai phạm lại điều chuyển công tác sang vị trí khác, thậm chí còn cao hơn đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đây là yếu tố làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam(6).
Hiện tượng trả thù cá nhân khi họ đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn, nhiều nơi quần chúng nhân dân đã phát hiện được hành vi tham nhũng nhưng còn e dè, không dám đấu tranh, sợ bị trả thù. Thực tế cho thấy, tình trạng dọa dẫm, trả thù… người đấu tranh chống tham nhũng còn xảy ra trong khi chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng Luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng, Luật bảo vệ nhân chứng là điều cần thiết và hơn nữa cần có chính sách hỗ trợ kinh tế cho người tố cáo để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.

3. Giải pháp đấu tranh chống tội phạm tham nhũng
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, cần làm tốt một số công tác sau:
- Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong toàn Đảng, toàn dân về đấu tranh chống tham nhũng. Để làm tốt hoạt động này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, mà trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Đình kỳ và đột xuất thiết lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm về tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp để kịp thời đấu tranh. Nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ; xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực; chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm pháp luật.
- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Khuyến khích sự tham gia của nhân dân với công tác PCTN, kịp thời có những phần thưởng xứng đáng và có biện pháp bảo vệ để khuyến khích nhân dân tham gia đấu tranh với tội phạm này.
- Tăng cường và làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý tin báo về tham nhũng từ quần chúng nhân dân và các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính quyền. Nhanh chóng thông báo kết quả xử lý đối tượng tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân đã thông báo để từ đó khuyến khích họ tham gia đấu tranh chống tham nhũng.
- Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra khám phá tội phạm tham nhũng. Cần nắm vững, chắc các lĩnh vực, hoạt động có nguy cơ xảy ra tham nhũng; nắm bắt được các đối tượng có biểu hiện bất minh về tài sản, lối sống, hoạt động có nghi vấn tham nhũng để kịp thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn.
- Xử lý nghiêm với các đối tượng tham nhũng, tránh tình trạng điều chuyển công tác hay bổ nhiệm chức vụ đối với những cán bộ nghi vấn tham nhũng. Những đối tượng tham nhũng dù đã nghỉ hưu hay chuyển công tác khi phát hiện cũng phải xử lý nghiêm để giữ nghiêm phép nước và tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân. Đồng
thời, cần xử lý nghiêm những người bao che đối tượng tham nhũng.
- Nâng cao hiệu quả công tác truy tố và xét xử. Cần áp dụng bản án nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng, tránh tình trạng bao che, áp dụng khung hình phạt nhẹ vừa làm mất tính răn đe, vừa làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
- Phối hợp tốt giữa cơ quan chức năng trong trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng. Để thực hiện có hiệu quả hoạt động này cần xây dựng quy chế phối hợp và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan chức năng trong trao đổi cung cấp thông tin phục vụ đấu tranh PCTN; xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Nội chính Trung ương với lực lượng thực thi pháp luật các cấp.

(1) Thông cáo báo chí về kết quả công tác quý IV-2013 và kế hoạch công tác quý I-2014 của Thanh tra Chính phủ.
(2) Báo cáo công tác PCTN 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác quý IV-2013 của Ban Nội chính Trung ương
(3) Báo cáo tổng kết năm 2013 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an. (4) Báo cáo tổng kết công tác xét xử năm 2013 của Tòa án nhân dân tối cao.
(5) Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2013. (6) Báo cáo tổng kết công tác xét xử hàng năm từ năm 2011 đến 2013 của Tòa án nhân dân tối cao.

Thượng tá, TS. Đỗ Anh Tuấn
(Trưởng phòng, Văn phòng Bộ Công an)
 

;
.