Nguyên tắc thẩm phán độc lập thực tiễn và phương hướng hoàn thiện
Thẩm phán độc lập là nguyên tắc được nhắc tới và được bàn luận nhiều nhất trong giới luật gia cũng như học thuật trên thế giới khi nói về tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án. Mọi nghiên cứu học thuật hiện đại đều khẳng định rằng nguyên tắc thẩm phán độc lập là một yếu tố không thể thiếu, vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền ở các quốc gia dân chủ. Chính vì vậy, nguyên tắc này không những được ghi nhận trong hầu hết Hiến pháp các nước mà nó còn được ghi nhận cả trong các văn kiện và cam kết quốc tế thuộc các mức độ khác nhau.
Tòa án nhân dân tối cao vinh danh các thẩm phán tiêu biểu, thẩm phán mẫu mực năm 2013. |
Ở Việt Nam, nguyên tắc thẩm phán độc lập đã được quy định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên và được kế thừa trong suốt lịch sử lập hiến. Độc lập của thẩm phán được hiểu là người thẩm phán không bị lệ thuộc vào bất kỳ sự tác động nào từ bên ngoài cho dù là tác động từ các cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước… Để thẩm phán xét xử chỉ dựa trên nhận thức của mình về vụ việc và pháp luật thì hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia phải quy định những biện pháp có thể bảo đảm cho thẩm phán của mình có đủ khả năng “miễn trừ” đối với mọi tác động từ bên ngoài làm ảnh hưởng tới việc xét xử độc lập của thẩm phán. Trên thế giới, các biện pháp này thường được chia thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất, bao gồm các biện pháp bảo đảm tính độc lập của thiết chế Tòa án nói chung, qua đó bảo đảm tính độc lập của từng cá nhân thẩm phán làm việc trong đó. Nhóm này bao gồm những biện pháp chủ yếu như Tòa án phải độc lập về mặt tài chính, quản lý cơ sở vật chất, hay việc thi hành các bản án của Tòa án phải có hiệu quả.
Nhóm thứ hai, bao gồm các biện pháp trực tiếp bảo đảm cho từng cá nhân thẩm phán được độc lập. Nhóm này thường nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các học giả nghiên cứu về tính độc lập của thẩm phán cũng như pháp luật thực định của các nước khi quy định các biện pháp bảo đảm tính độc lập của thẩm phán. Một số biện pháp chính thường được đề cập tới là sự nghiệp của thẩm phán phải được bảo đảm, cơ chế tuyển dụng, quản lý và đề bạt phải khách quan và dựa trên các tiêu chuẩn hợp lý, chế độ và cơ chế kỷ luật đối với thẩm phán phải khách quan, rõ ràng và hợp lý, an toàn cá nhân của thẩm phán phải được bảo đảm.
Tóm lại, nguyên tắc thẩm phán độc lập đòi hỏi không chỉ dừng lại ở chỗ kêu gọi hay áp đặt nghĩa vụ lên thẩm phán phải độc lập, bởi vì điều đó sẽ là không thực tế nếu như thẩm phán không được hưởng những biện pháp bảo đảm cho mình có thể độc lập được. Vấn đề ở chỗ không chỉ ở ý muốn mà còn phải là khả năng. Nguyên tắc thẩm phán độc lập, vì vậy, luôn chú trọng nhiều hơn tới khía cạnh cần phải quy định cho thẩm phán có những quyền hoặc những điều kiện đảm bảo nào để họ có thể độc lập.
Khi một hệ thống Tòa án được tổ chức và hoạt động trên cơ sở sự tuân thủ nguyên tắc độc lập thẩm phán, tức là những biện pháp bảo đảm tính độc lập thẩm phán trên đây được cân nhắc và quy định trong hệ thống pháp luật, thẩm phán của hệ thống đó sẽ có nhiều khả năng hơn để thực hiện công tác xét xử của mình một cách khách quan và nghiêm minh. Qua đó, pháp luật được tôn trọng một cách triệt để và công lý được duy trì trong xã hội. Đó cũng chính là ưu điểm và vô cùng cần thiết của nguyên tắc này đối với một hệ thống Tòa án hiện đại.
Mặc dù vậy, nếu nguyên tắc thẩm phán độc lập được đẩy lên ở mức độ quá cực đoan thì sẽ lộ ra điểm yếu của nó. Khi thẩm phán được hưởng tất cả những biện pháp và những điều kiện tốt nhất cho sự độc lập của mình thì cũng có nghĩa là họ không còn phụ thuộc vào bất kỳ ai. Lúc đó sẽ phát sinh vấn đề làm thế nào để ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán. Suy cho cùng thì cái mà xã hội cần ở người thẩm phán là trong mỗi bản án được tuyên ra phải thể hiện được sự khách quan chứ không phải là sự độc lập.
Tuy nhiên, về mặt lý luận, tính độc lập càng cao chưa chắc đã đồng nghĩa với sự khách quan càng được bảo đảm. Chính vì đặc điểm này của nguyên tắc thẩm phán độc lập mà vấn đề tính độc lập của thẩm phán không bao giờ xem xét một cách tách biệt mà phải luôn nằm trong một mối quan hệ với tính khách quan và trách nhiệm của thẩm phán. Trong đó, tính khách quan của thẩm phán là mục đích, tính độc lập của thẩm phán và trách nhiệm của thẩm phán là những công cụ điều tiết lẫn nhau để đạt được mục đích. Một chế độ trách nhiệm tốt là một chế độ pháp lý bao gồm những biện pháp pháp lý được quy định một cách phù hợp để vừa bảo đảm cho thẩm phán thể hiện rõ trách nhiệm của mình, ràng buộc trách nhiệm khi vi phạm đồng thời vẫn cho phép sự phát huy tính độc lập của thẩm phán một cách tối đa.
Một chế độ trách nhiệm tốt đối với thẩm phán bao gồm những yếu tố: Các phiên xử được tiến hành công khai; bản án phải bao gồm phần giải thích chi tiết cách hiểu của thẩm phán về điều khoản pháp luật có liên quan và cơ sở để áp dụng vào trường hợp xét xử cụ thể; các bản án phải được công bố; cơ chế giám đốc thẩm được quy định một cách chặt chẽ, hợp lý và hiệu quả; có quy chế đạo đức nghề nghiệp và cơ chế kỷ luật hợp lý đối với nghề thẩm phán.
Mặc dù được công nhận và quy định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên, nguyên tắc thẩm phán độc lập vẫn đang được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân của Việt Nam. Tuy vậy, vẫn cho thấy một số bất cập sau đây:
Thứ nhất, nguyên tắc thẩm phán độc lập thường được giải thích gồm ba nội dung chính: (a) Sự độc lập giữa các thành viên hội đồng xét xử, theo đó thẩm phán và hội thẩm phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không bị phụ thuộc vào quan điểm của nhau; (b) Sự độc lập giữa Tòa án cấp dưới và Tòa án cấp trên, theo đó khi xét xử thẩm phán (và hội thẩm) độc lập, không chịu sự chỉ đạo của Tòa án cấp trên; (c) Bản thân thẩm phán (và hội thẩm) không lệ thuộc vào ý kiến của cá nhân hay tổ chức nào. Các quan điểm chung thường có xu hướng coi độc lập như một nghĩa vụ của thẩm phán. Khía cạnh “quyền” của thẩm phán trong nguyên tắc thẩm phán độc lập cũng đã được đề cập, song còn mờ nhạt so với khía cạnh “trách nhiệm” của thẩm phán phải độc lập.
Trong lịch sử phát triển của Hiến pháp Việt Nam, khía cạnh “quyền” của nguyên tắc thẩm phán độc lập đã từng được chú trọng trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và những văn bản về tổ chức bộ máy nhà nước đầu tiên của thời kỳ lập quốc. Hiến pháp 1946 quy định: “Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Văn bản đầu tiên quy định về tổ chức và thẩm quyền của hệ thống Tòa án dân chủ nhân dân của Việt Nam, Sắc lệnh số 13 ban hành tháng 01-1946 về cách thức tổ chức Tòa án và các ngạch thẩm phán, cũng đã rất chú trọng vào khía cạnh làm thế nào để bảo đảm cho các thẩm phán được độc lập. Ví dụ: “Tòa án tư pháp sẽ độc lập với các cơ quan hành chính. Các vị thẩm phán sẽ chỉ chú trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”, và “mỗi thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”. Hiến pháp 1959 quy định: “Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Thực tế cũng cho thấy, ngành Tòa án chưa tập trung xây dựng các biện pháp bảo đảm mà chú trọng vào kêu gọi, quán triệt tinh thần đối với các thẩm phán “phải” độc lập. Điều đó làm giảm đi ý nghĩa tích cực của nguyên tắc thẩm phán độc lập trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, chế độ công việc của thẩm phán hiện nay chưa được bảo đảm ở mức độ làm cho họ có thể độc lập được. Thẩm phán hiện được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm. Khi nhiệm kỳ kết thúc, thẩm phán cần phải được tái bổ nhiệm mới có thể tiếp tục làm thẩm phán. Việc bổ nhiệm và tái bổ nhiệm thẩm phán thuộc quyền Chủ tịch nước đối với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương. Quy trình bổ nhiệm thực hiện thông qua hội đồng tuyển chọn thẩm phán ở Trung ương và ở các địa phương cấp tỉnh. Về công việc, các thẩm phán nằm trong mối quan hệ quản lý hành chính khá chặt chẽ với Chánh án Tòa án của mình hoặc của cấp trên trực tiếp. Về nguyên tắc quan hệ quản lý, không dẫn đến quan hệ lãnh đạo trong tố tụng, tuy nhiên, trên thực tế vẫn cho thấy còn có sự can thiệp vào công việc xét xử của thẩm phán.
Thứ ba, mối quan hệ giữa Tòa án một cấp này với một cấp khác trong hệ thống Tòa án Việt Nam hiện nay thể hiện rõ mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Tòa án nhân dân cấp tỉnh quản lý toàn diện về mặt tổ chức và tài chính đối với Tòa án nhân dân cấp huyện trực thuộc. Nếu tính cả thẩm quyền xét xử phúc thẩm thì có thể nói Tòa án nhân dân tỉnh kiểm soát hoàn toàn các Tòa án nhân dân huyện trên địa bàn tỉnh mình. Tương tự, Tòa án nhân dân tối cao cũng nắm quyền chi phối đối với các Tòa án nhân dân tỉnh từ khía cạnh ngân sách hàng năm, cơ sở vật chất và nhân sự. Trong mối quan hệ mang nặng tính hành chính như vậy sự lệ thuộc giữa Tòa án nhân dân cấp dưới và Tòa án nhân dân cấp trên là tất yếu. Sự lệ thuộc này, trong một số trường hợp, rất không tốt cho sự độc lập và khách quan của Tòa án nhân dân cấp dưới nói chung và việc bảo đảm trên thực tế yếu tố độc lập của thẩm phán nói riêng.
Thứ tư, vấn đề an toàn của thẩm phán Việt Nam, tuy không phải là vấn đề lớn, vẫn có một số tồn tại nhất định. Nhìn chung, trong môi trường an ninh ổn định và nghề thẩm phán được xã hội kính trọng, đe dọa đối với an toàn của thẩm phán và gia đình là không phổ biến. Tuy nhiên, tại phiên tòa, do bối cảnh có nhiều tâm trạng bức xúc, nhiều khi đương sự hoặc người liên quan đã có hành vi đe dọa thẩm phán ngay tại phiên tòa. Điều này không những ảnh hưởng tới tính tôn nghiêm của tòa mà còn gây áp lực lên sự độc lập xét xử của thẩm phán. Để khắc phục được những bất cập liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc thẩm phán độc lập trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án Việt Nam, có thể tiến hành một số biện pháp chính sau:
Một là, cần phải quán triệt nội dung của nguyên tắc thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Theo đó, “độc lập” là “quyền” của thẩm phán, từ đó chú trọng tới việc quy định các biện pháp trong luật để bảo đảm đảm cho thẩm phán được độc lập. Đồng thời không xem xét vấn đề “độc lập thẩm phán một cách biệt lập” mà cần phải đặt nó trong mối quan hệ với trách nhiệm phải khách quan của thẩm phán. Bất kỳ biện pháp nào được áp dụng, phải vừa bảo đảm sự độc lập vừa bảo đảm có thể ràng buộc được trách nhiệm của người thẩm phán.
Hai là, cần có quy định hợp lý về nhiệm kỳ của thẩm phán. Đây là vấn đề mấu chốt để bảo đảm cho sự nghiệp của thẩm phán, từ đó bảo đảm được sự độc lập của họ. Về lý tưởng thì nhiệm kỳ suốt đời cho đến tuổi về hưu là sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, đặc thù của nước ta cũng như các nước theo hệ thống pháp luật thành văn là các thẩm phán thường theo một con đường sự nghiệp từ cấp thấp đến cấp cao. Sự thăng tiến trên con đường sự nghiệp cũng chứng tỏ năng phẩm chất và năng lực của họ cũng là một việc rất cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, duy trì nhiệm kỳ đối với thẩm phán vẫn là một biện pháp hợp lý. Nhiệm kỳ của thẩm phán không cần phải dài, chỉ cần từ 4 hoặc 5 năm. Điều quan trọng là cơ chế tái bổ nhiệm cần phải được đổi thành cơ chế đương nhiên được tái bổ nhiệm trừ trường hợp có những sai phạm rõ ràng về mặt đạo đức hay sai phạm một cách có hệ thống về chuyên môn. Cơ chế xem xét phải khách quan; thủ tục minh bạch và đương sự phải có quyền khiếu nại.
Ba là, cơ chế kỷ luật đối với thẩm phán cần được hoàn thiện hơn theo hướng rõ ràng, khách quan. Trước tiên cần có một bộ quy tắc đạo đức đối với nghề thẩm phán. Bộ quy tắc này sẽ quy định cụ thể và chi tiết các chuẩn mực đạo đức, tất cả những hành vi thẩm phán không được làm hoặc phải tránh. Bộ quy tắc này sẽ là cơ sở duy nhất để xử lý kỷ luật thẩm phán. Đương sự phải có quyền trình bày ý kiến trước hội đồng kỷ luật và có quyền khởi kiện theo thủ tục phúc thẩm lên một tòa án chuyên trách đặt tại Tòa án nhân dân tối cao nếu không đồng ý với quyết định kỷ luật.
TS. Tô Văn Hòa
(Đại học Luật Hà Nội)