Đổi mới mô hình tố tụng hình sự tại Việt Nam, một số kiến giải cụ thể
Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam về cơ bản là mô hình tố tụng thẩm vấn. Đặc trưng của mô hình này coi việc trấn áp các hành vi phạm tội là chức năng quan trọng nhất của tố tụng hình sự. Để được coi là hiệu quả, mô hình thẩm vấn đòi hỏi các hoạt động tố tụng được tiến hành nhanh chóng, dứt khoát và có tỷ lệ buộc tội cao. Tuy nhiên, chính sự nhấn mạnh việc cần thiết phải giải quyết nhanh chóng và kịp thời các vụ án hình sự là một nguyên nhân mà hệ thống tố tụng hình sự Việt Nam chưa coi trọng vai trò của hoạt động bào chữa, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát hiệu quả chưa cao, chức năng buộc tội “lấn sân” chức năng bào chữa và chức năng xét xử “lấn sân” chức năng “buộc tội”... Những tồn tại, hạn chế trong mô hình tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay đã dẫn đến các yêu cầu cải cách tư pháp mạnh mẽ.
1. Khái quát về lịch sử hình thành tố tụng hình sự thẩm vấn tại Việt Nam
Trước hết, chúng ta phải thừa nhận yếu tố lịch sử đã tác động lớn đến phương thức hoạt động tố tụng hình sự của Việt Nam. Từ năm 1945 đến năm 1975, nước ta luôn sống trong cảnh thời chiến, luôn phải đối phó với các lực lượng phản động. Trong cuốn Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh của ông Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên) có nêu “Một chế độ nào, cho dẫu là theo hướng dân chủ mới, nhưng mới thành lập sau một cuộc cách mạng, cũng cần phải dùng những phương sách bất thường để chống với những lực lượng phản động”, bởi vậy, lực lượng công an có một quyền lực tương đối lớn và độc lập được Nhà nước trao cho để đối phó mạnh mẽ với tình hình thời điểm đó, với mục tiêu trên hết là an ninh quốc gia.
Sau năm 1975, các lực lượng thù địch vẫn luôn chống phá và trong nước thì trải qua một giai đoạn bao cấp kéo dài, việc cải cách tư pháp chưa được chú trọng. Do vậy, cách thức hoạt động phòng, chống tội phạm vẫn theo ý thức hệ cũ: Nhấn mạnh mặt đấu tranh với tội phạm mà chưa chú trọng đến việc bảo đảm quyền công dân (khi những người này bị vướng vào vòng tố tụng); tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án mà chưa chú trọng đến tính công bằng khi không tạo điều kiện đầy đủ cho công dân được bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ.
Ngay cả khi sự ra đời của hệ thống viện kiểm sát thì đóng góp “nổi trội” của Viện kiểm sát với vai trò như một “móc xích” để móc nối sự liền mạch của các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố và xét xử) bảo đảm cho một quy trình tố tụng hoạt động “trơn tru”. Còn việc kiểm sát hoạt động tố tụng để bảo đảm quyền công dân, đặc biệt trong giai đoạn điều tra là hạn chế bởi Viện kiểm sát không phải cơ quan “trực tiếp” đứng ra bảo vệ quyền lợi cho công dân, mà chỉ thực hiện gián tiếp thông qua kiểm sát các hoạt động tố tụng hình sự.
Chúng ta phải thừa nhận rằng suốt một thời gian dài, hệ thống tố tụng hình sự kiểu “cũ” này đã phát huy hiệu quả bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự xã hội, tuy nhiên, những năm trở lại đây đã không còn phù hợp vì nhiều nguyên nhân khác nhau (như: tính thiếu hiệu quả và lạc hậu, nhu cầu dân chủ và bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, sự phức tạp của các quan hệ xã hội ngày càng tăng đòi hỏi một trình độ và nhận thức mới về tư pháp hình sự, yêu cầu hòa nhập với tư pháp hình sự thế giới...) đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cải cách hệ thống tố tụng hình sự. Ngày 02-01-2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp và ngày 02-06-2005 ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đã thể hiện được một tư tưởng hoàn toàn “mới mẻ” (đối với Việt Nam). Một trong những nội dung ưu tiên của cải cách tư pháp ở Việt Nam là “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp” với các mục tiêu bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Nhưng trên thực tế, do cả khách quan, chủ quan và yếu tố thời gian, việc triển khai còn nhiều hạn chế.
2. Cần bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội
Nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc trụ cột của tố tụng hình sự tạo nên nền tảng, bảo đảm cần thiết cho việc bảo vệ quyền con người, là lá chắn quan trọng khắc phục tình trạng oan sai. Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc kinh điển của tố tụng hình sự được ghi nhận trong nhiều công ước quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948; Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị năm 1966. Nội dung quan trọng nhất của nguyên tắc suy đoán vô tội đó là, bị can, bị cáo phải được coi là vô tội khi lỗi của họ chưa được chứng minh theo một trình tự do pháp luật quy định và chưa được xác định bởi một bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về người buộc tội, bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh sự vô tội của mình. Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) của Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận “Nguyên tắc suy đoán vô tội” nhưng đã thừa nhận nhiều nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội như: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật; buộc tội phải dựa trên chứng cứ và chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Việc bổ sung nguyên tắc này vào BLTTHS sẽ bảo đảm tính pháp lý cao, tiến thêm một bước trong việc thực thi triệt để nguyên tắc này và tạo ra sự thay đổi tư duy trong việc xử lý các vụ án hình sự. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLTTHS là có cơ sở, nhằm thực hiện mục đích của tố tụng hình sự là xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, bảo vệ quyền con người trong các hoạt động tố tụng hình sự. Mục đích này xuất phát từ những đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội, đó là không một người vô tội nào phải bị truy
cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu hình phạt. Khi cơ quan tố tụng không chứng minh được một người nào đó phạm tội thì phải quyết định người đó không phạm tội.
3. Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra
Theo quy định hiện hành, Viện kiểm sát là cơ quan quyết định các nhiệm vụ tố tụng quan trọng trong giai đoạn điều tra, nhưng thực tế Viện kiểm sát chưa thực hiện được như thế. Điều này có nguyên nhân do Cơ quan điều tra không độc lập mà phụ thuộc vào bộ máy hành chính. Vai trò của Viện kiểm sát và cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát chưa chặt chẽ, Viện kiểm sát còn thụ động trong quá trình điều tra. Tuy Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát, nhưng thực ra chỉ ràng buộc về thủ tục pháp lý, còn nội dung tiến hành các hoạt động điều tra như thế nào chủ yếu do điều tra viên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định. Như vậy, để bảo đảm hiệu quả trong quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án, chúng tôi có một số kiến nghị cụ thể sau:
Thứ nhất, giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra có sự phân công chức trách, quyền hạn rõ ràng theo pháp luật, mỗi bên có chức năng riêng, mỗi bên chịu trách nhiệm riêng của mình, không thay thế cho nhau, cũng không đùn đẩy lẫn nhau.
Thứ hai, trên cơ sở phân công trách nhiệm nhưng cùng đảm nhận chức năng buộc tội trong tố tụng hình sự nên Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra phải phối hợp chặt chẽ, làm cho việc xử lý vụ án được tiếp nối nhau về mặt trình tự, hoàn thành nhiệm vụ làm rõ sự thật vụ án, truy cứu, trừng phạt tội phạm.
Thứ ba, quan hệ giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra là quan hệ chế ước, ràng buộc lẫn nhau để tạo sự cân bằng với nhau theo sự phân công và trình tự thuộc chức năng tố tụng. Thông qua việc chế ước giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra nhằm ngăn chặn hoặc kịp thời uốn nắn các sai sót, bảo đảm chấp hành pháp luật chính xác, không để xảy ra oan, sai.
Thứ tư, sự phối hợp và chế ước giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra là quan hệ mang tính tương hỗ, tính hai chiều. Xét trong quan hệ tố tụng, mục đích cuối cùng của điều tra là đưa ra công tố (buộc tội), điều tra chỉ là sự chuẩn bị của công tố, buộc phải phục tùng theo yêu cầu của công tố. Nếu xét về quan hệ chức năng của hai cơ quan thì Cơ quan điều tra là người thực hiện cụ thể hoạt động điều tra, còn Viện kiểm sát chịu trách nhiệm thẩm tra phê chuẩn bắt giữ và thẩm tra truy tố - thẩm tra công tác điều tra theo quy định của pháp luật. Do vậy, trong quan hệ phối hợp, chế ước lẫn nhau, Viện kiểm sát nằm ở vị trí chủ đạo.
4. Khắc phục những vướng mắc trong áp dụng các quy định về quyền bào chữa
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của nghi can, bị can, bị cáo cũng như cơ chế để bảo đảm quyền bào chữa của họ, nhưng trong thực tiễn vai trò người bào chữa còn nhiều hạn chế như: Quy định cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa theo từng giai đoạn tố tụng là không cần thiết, rườm rà về thủ tục, lãng phí thời gian, giấy tờ. Quy định quyền và nghĩa vụ của người bào chữa chưa bảo đảm để người bào chữa thực hiện tốt nhiệm vụ gỡ tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Quy định người bào chữa chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được điều tra viên đồng ý đã hạn chế quyền của người bào chữa.
Quy định người bào chữa được tham gia vào các hoạt động điều tra chưa cụ thể nên thiếu sự tham gia của người bào chữa trong một số hoạt động điều tra như: Khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, khám xét, thu giữ vật chứng... Bộ luật tố tụng hình sự chưa quy định cụ thể quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, cũng như cơ chế để các cơ quan liên quan hỗ trợ, cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của người bào chữa, cơ chế và hình thức xử lý nếu có vi phạm quyền bào chữa. Quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu, thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa từ cơ quan, tổ chức, cá nhân của người bào chữa được Bộ luật quy định nhưng chưa rõ ràng nên việc thực hiện quyền này còn khó khăn. Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cho phép người bào chữa được tiếp xúc riêng với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong trại tạm giam ở giai đoạn điều tra. Quy định về quyền gặp mặt người bị tạm giữ, bị can, bị cáo của người bào chữa chưa rõ ràng nên còn gặp nhiều khó khăn trong thực tế. Bộ luật tố tụng hình sự cũng không quy định các trường hợp người bào chữa được quyền chủ động đề xuất người làm chứng, chứng cứ, cũng như triệu tập những người liên quan khác có mặt tại phiên tòa.
Do vậy, chúng tôi xin khuyến nghị một số điểm để bảo đảm tính khả thi và khắc phục những hạn chế về quyền bào chữa của người bị tình nghi, bị can, bị cáo:
- Quy định thủ tục mời luật sư của người bị bắt giữ, bị can bị tạm giam;
- Để được cấp “Giấy chứng nhận người bào chữa” thì luật sư chỉ cần có hai loại giấy tờ là Thẻ Luật sư và Giấy giới thiệu của văn phòng luật sư;
- Quy định cụ thể trình tự, thủ tục để người bào chữa tham gia bào chữa ở giai đoạn điều tra;
- Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tạo điều kiện để người bào chữa tham gia vào quá trình tố tụng: Hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, quyền đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu, thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa từ cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền được gặp riêng người bị tạm giam...;
- Quy định những biện pháp chế tài đối với các cơ quan tố tụng, cán bộ, công chức cản trở việc tiến hành hoạt động bào chữa của luật sư.
5. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng cứ
Vấn đề thu thập chứng cứ cần được quy định một cách đầy đủ những chủ thể nào được quyền thu thập chứng cứ, cách thức, quy trình thu thập chứng cứ... Các chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng và xét hỏi đều có quyền thu thập chứng cứ bằng các biện pháp cách thức hợp pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Để bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên trong việc tranh tụng, xét hỏi thì biện pháp không thể thiếu đó là phải quy định cho các bên quyền thu thập chứng cứ một cách hợp pháp theo trình tự do BLTTHS quy định. Đối với bên bào chữa, ngoài các quyền thu thập chứng cứ như bên buộc tội còn có quyền yêu cầu bên buộc tội, các cơ quan tổ chức thu thập chứng cứ mà mình biết được nhưng không thể hoặc không có điều kiện để thu thập… đồng thời, đưa ra quan điểm, lý lẽ lập luận, căn cứ pháp lý, luật áp dụng để bảo vệ quan điểm của mình. Cần quy định về việc giao nộp chứng cứ cho tòa án trước khi xét xử, bảo quản chứng cứ, sử dụng, đánh giá chứng cứ, công nhận chứng cứ của các bên. Có thể tách riêng chứng cứ để xây dựng Luật chứng cứ, nếu vẫn để trong BLTTHS thì cần bổ sung, sửa đổi các vấn đề nói trên.
Ngoài ra, cần nghiên cứu việc người bào chữa có quyền tiếp cận với nguồn “tài liệu chưa được sử dụng” là các tài liệu chưa được Cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án. Bởi thực tế, Cơ quan điều tra luôn có xu hướng chứng minh tội phạm, đó cũng là nhiệm vụ cơ bản của họ và mục đích của hồ sơ vụ án là gửi cho Viện kiểm sát để truy tố, không bị trả về. Do vậy, những tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án thường chứa đựng đa phần chứng cứ buộc tội. Trong khi đó, người bào chữa thu thập tài liệu thì mục đích của họ là phải tìm thật nhiều chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo càng tốt, mà có lẽ hồ sơ vụ án chỉ đáp ứng được phần nào bởi nó chứa đựng quá nhiều chứng cứ buộc tội. Nên có lẽ việc hướng tới của người bào chữa lại chính là nguồn “tài liệu chưa sử dụng” của Cơ quan điều tra; mặc dù không có tác dụng nhiều cho hoạt động của Cơ quan điều tra nhưng nó lại có thể giúp ích rất nhiều cho bên bào chữa.
Một nội dung đáng chú ý nữa, mặc dù pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định cấm cơ quan điều tra có hành vi bức cung, đe dọa dụ dỗ, lừa gạt hoặc các biện pháp bất hợp pháp khác để thu thập chứng, để có được lời nhận tội của người bị tình nghi nhưng lại không quy định việc loại trừ chứng cứ thu thập được một cách bất hợp pháp hay thủ tục để xác định có hay không biện pháp bất hợp pháp được sử dụng để có được chứng cứ hoặc lời nhận tội của người bị tình nghi.
Thiết nghĩ, BLTTHS cần phải được bổ sung các quy định để bảo đảm loại trừ các chứng cứ được thu thập bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Việc bổ sung này sẽ ràng buộc các cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ chặt chẽ các quy trình tố tụng và hạn chế được các vụ án oan, sai.
Ths. Nguyễn Hà Thanh
(Ban Nội chính Trung ương)