Nhận diện tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống

Thứ Sáu, 03/01/2014, 09:48 [GMT+7]
1. Tính đặc thù của tham nhũng ở Việt nam 
 
    Tham nhũng là hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu. Phản ứng đối với tham nhũng mang tính xã hội rộng lớn ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, dân tộc và nhân loại. Chống tham nhũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, quốc tế và thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.
Nhận diện tham nhũng ở Việt Nam cho thấy những biểu hiện phức tạp đặc thù của nó là đa dạng, muôn vẻ sắc thái, loại hình, mức độ, cũng như hậu quả.
Mức độ tham nhũng nặng nề ở Việt Nam, tính nan giải, khó trị của nó được lý giải từ sự yếu kém của thể chế, tính nửa vời trong chỉ đạo thực hiện và sự thoái hóa của không ít quan chức, công chức trong bộ máy, thậm chí tham nhũng có cả trong hoạt động tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức, là một thực tế phổ biến hiện nay(1).
 
    Có tham nhũng nhỏ, vặt vãnh trong việc sách nhiễu, cố ý gây phiền hà cho người dân, trì hoãn, dây dưa giải quyết các công việc hành chính - dân sự ở cơ sở, mục đích là buộc người dân muốn được việc thì phải móc tiền trong túi ra. Thủ đoạn của kiểu tham nhũng này là cố ý làm phức tạp hóa những việc đơn giản, lợi dụng những quy định rườm rà, hình thức của thủ tục hành chính để hành dân.
 
    Có tham nhũng lớn trong những giao dịch tìm kiếm việc làm, thuyên chuyển, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Càng ở cấp cao, vị trí có khả năng sinh lợi nhiều thì mức độ tham nhũng càng lớn. Những giao dịch, thỏa thuận này thường đi kèm tác nhân môi giới, trung gian, tạo ra luật chơi bất thành văn, hình thành những quy định ngầm, mọi việc, mọi biện pháp để đạt mục đích đều được định hình bởi đồng tiền và tiền tệ hóa. Nó tạo ra cách hành xử theo kiểu “tạm ứng trước”, “thu hồi sau”, tham nhũng đẻ ra tham nhũng.
 
    Có tham nhũng cực lớn, đan xen, phối hợp cả tham nhũng cá nhân lẫn tham nhũng theo nhóm, gọi là lợi ích nhóm (hay nhóm lợi ích bất chính, phi pháp). Đây là dạng tham nhũng có tổ chức, có chủ mưu, thao túng vào tổ chức, thể chế và chính sách cùng những người có trọng trách, có thẩm quyền giải quyết. Loại tham nhũng này thường xảy ra ở các hoạt động dự án, đấu thầu, các hợp đồng kinh tế, đất đai, tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, mở mang khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế. Đất đai và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, kinh doanh bất động sản chỉ là một trong những trường hợp, những tình huống nổi bật trong vô số nhiều những trường hợp, những tình huống tham nhũng hiện nay.
 
    Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi đã từng diễn ra tình trạng chạy danh, chạy chức, chạy quyền. Còn có các kiểu “chạy” khác nữa, từ nhỏ đến lớn và rất lớn, đó là chạy trường, chạy lớp, cho đến chạy dự án và chạy án. Đây mới là tiêu điểm của những nhức nhối, bức xúc trong vòng xoáy của tiền bạc và quyền lực, trong những mua bán, đổi chác, tội phạm và tệ nạn.
 
    Để “chạy” được thì phải thiết lập các mối quan hệ, các liên kết nhóm, để đạt mục đích phải kích hoạt các quan hệ ấy bằng tiền và tiền tệ hóa đi kèm với các phương tiện, thủ đoạn khác, bất minh, bất chính, bất nghĩa, thậm chí dùng cả những thủ đoạn gây tội ác, phi nhân tính.
 
    Dù biểu hiện khác nhau, mức độ khác nhau nhưng tham nhũng đều diễn ra như một hội chứng cướp đoạt, sự lợi dụng quyền và tiền để làm giàu và mưu lợi bất chính. Ngôn ngữ cửa miệng từ người dân và cả trong công chức nhà nước đã minh chứng cho hiện trạng tham nhũng phổ biến ở nước ta, từ “phong bì và nền công nghiệp phong bì” đến “làm luật”, cho đến “công nghệ bôi trơn”(2).
 
2. Nguyên nhân và hậu quả
 
    Có những nguyên nhân sâu xatrực tiếp, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tham nhũng ở Việt Nam. Bước chuyển sang kinh tế thị trường cùng với mở cửa ra thế giới bên ngoài và hội nhập quốc tế (trên dưới một thập kỷ nay) đã tạo ra xung lực mạnh cho sự phát triển năng động của nền kinh tế nước ta. Cùng với kinh tế tăng trưởng và phồn vinh, xã hội ta cũng đang biến đổi mạnh về cơ cấu với sự đa dạng các giai tầng, các nhóm xã hội - nghề nghiệp. Đó là một xu hướng tích cực. Song, nước ta chưa có một nền kinh tế thị trường hiện đại, thành thục và văn minh theo đúng nghĩa của nó. Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân cũng chưa định hình các chuẩn mực và giá trị.
    
    Tính sơ khai, hoang dã của kinh tế thị trường phôi thai vẫn còn mạnh, nó chứa đầy những tiêu cực, tệ  nạn với sức mạnh của đồng tiền, của sự trỗi dậy chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, vị kỷ cực đoan, kích thích tâm lý hưởng thụ và làm giàu bằng mọi giá. Nhà nước pháp quyền còn đang trong quá trình xây dựng. Xã hội chưa trưởng thành về dân chủ và văn hóa dân chủ. Trên con đường hiện đại hóa để trở thành xã hội hiện đại “dân chủ, công bằng, văn minh” chúng ta vấp phải vô số nhiều những lực cản, cả hữu hình lẫn vô hình kìm hãm phát triển. Những tàn dư lạc hậu, lỗi thời, cùng với những tì vết của thực dân - phong kiến còn kết đọng rất nặng nề, chưa giải tỏa hết. Trình độ phát triển của nước ta chưa đạt tới trình độ một nước công nghiệp nên chưa có đầy đủ những tất yếu cho việc giải thể cấu trúc xã hội cổ truyền để xác lập cấu trúc xã hội hiện đại dân chủ - pháp quyền. Những hạn chế, yếu kém, bất cập trong quản lý, chất lượng thấp của giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ cũng như dịch vụ xã hội, môi trường xã hội dân chủ, công khai, minh bạch thông tin, sự thấp kém và không đồng đều về trình độ học vấn, văn hóa giữa các vùng miền, giữa các đối tượng xã hội, từ người dân đến công chức, quan chức… đều bắt nguồn từ những hạn chế lịch sử đó.
 
    Tham nhũng từ thấp đến cao, từ đơn lẻ vụ việc, cá thể đến những can dự của số đông của tập thể, phe phái, tập đoàn, vì thế mà xuất hiện, lây lan trở thành phổ biến.
 
    Nhưng trực tiếp dẫn đến tham nhũng, dung dưỡng tham nhũng, làm cho tham nhũng trở thành vấn nạn đến mức nguy hiểm lại thuộc về chủ quan trong hệ thống tổ chức bộ máy, trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý với luật pháp - cơ chế - chính sách chứa đựng rất nhiều bất ổn đang phải ra sức sửa chữa, tháo gỡ. Đó là:
 
    Thứ nhất, hệ thống tổ chức bộ máy cồng kềnh, tầng nấc, quan liêu nặng nề. Quan liêu cũng là một vấn nạn không kém gì so với tham nhũng. Cải cách hành chính và cải cách tư pháp không triệt để, mục tiêu xây dựng một nền hành chính công minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp không đạt được như mong muốn, nhất là cải cách thủ tục hành chính.
 
    Thứ hai, hệ thống thể chế luật pháp và tổ chức thực hiện, thi hành luật pháp không đồng bộ, chất lượng thấp, hiệu lực yếu, hiệu quả kém. Vừa bị “rừng luật” cản trở vừa bị “luật rừng” thao túng. Chức năng phục vụ dân sinh xã hội của Nhà nước không được phát huy lành mạnh. Các quan hệ Dân chủ -Pháp luật, kỷ cương; Công dân - Nhà nước; công chức, viên chức với công dân không rành mạch, sáng tỏ do thiếu công khai, minh bạch, thiếu vắng trách nhiệm và chế độ trách nhiệm.
 
    Thứ ba, chính sách lạc hậu, đặc biệt là chính sách tiền lương lại thêm tác động của lợi ích nhóm dẫn tới tiêu cực trong hoạch định và thực thi chính sách. Tình huống đã xuất hiện: chính sách phục vụ dân hay phục vụ lợi ích nhóm? Bất bình, phản ứng của dân xoay quanh vấn đề này. Tham nhũng trong chính trị, trong chính sách làm quyền lực chân chính bị tha hóa, suy thoái, hư hỏng ngày càng trầm trọng trong một bộ phận quan chức, công chức, viên chức gây tổn hại tới lợi ích và cuộc sống của dân.
    
    Thứ tư, kiểm soát quyền lực chậm trễ, không rõ ràng cả trong nhận thức và hành động. Dân chủ biến thành “quan chủ” đúng như điều mà Hồ Chí Minh đã cảnh báo. Phản biện, tư vấn, kiểm tra, giám sát yếu kém vừa làm cho dân chủ chậm phát triển, vừa không ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực ngay trong bộ máy.
 
    Thứ năm, đội ngũ công chức thiếu tính chuyên nghiệp. Hoạt động điều hành quản lý thiếu tính hiện đại. Văn hóa từ chức, văn hóa xin lỗi chậm hình thành, không được thực hiện nghiêm túc, lại có nguy cơ bị hình thức hóa.
 
    Thứ sáu, cơ chế dùng người, đặt người vào công việc bộc lộ nhiều bất ổn. Thiếu động lực cho tài năng phát lộ, phát triển. Nhân tài, hiền tài, tinh hoa khó, thậm chí không vào được bộ máy. Cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” là nơi dung dưỡng cho tham nhũng phát triển. Chính sách và cơ chế hiện hành vô hình chung chỉ khuyến khích con người ta chạy theo quan chức, địa vị, bổng lộc, không khuyến khích mọi người theo con đường chuyên gia. Đó là đầu mối của những lệch lạc chuẩn mực giá trị và làm hỏng nhân cách, nhất là tạo ra một thứ chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, làm hỏng lớp trẻ mới vào đời, lập thân lập nghiệp. 
 
    Thứ bảy, trình độ học vấn, văn hóa, nhất là văn hóa pháp luật thấp, không chỉ ở dân thường mà còn ở tầng lớp có học thức, ở cả công chức, viên chức và quan chức. Coi thường pháp luật còn diễn ra phổ biến.
 
    Thứ tám, bất công xã hội còn nhiều. Phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Không kiểm soát được biến động tài sản và thu nhập, nhất là xử lý tình trạng giàu lên nhanh chóng một cách phi pháp, ngoài lao động. 
 
    Thứ chín, tình trạng hư danh, hám danh, tham chức, tham quyền, trục lợi kèm theo sự suy đồi đạo đức, dư luận xã hội tích cực phát triển một cách yếu ớt, không tạo được áp lực đủ mạnh chống tham nhũng.
 
    Thứ mười, sự thiếu gương mẫu của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả ở cấp cao. “Thượng bất chính hạ tất loạn…”. Tổng kết phòng ngừa, răn đe của người xưa để phòng tránh đã không tránh được, lại đã hiện hình trong bộ máy, trong những người nắm giữ chức, quyền ngày nay.
 
    Từ đó có thể thấy hậu quả nặng nề, tổn thương xã hội nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra. Đó là:
 
    Xã hội bất an, bất ổn, tiềm ẩn những mâu thuẫn, xung đột có nguy cơ phá hỏng sự nghiệp đổi mới và các mục tiêu phát triển của nước ta.
 
    Đạo đức xã hội, đạo đức gia đình, đạo đức cá nhân rơi vào trạng thái suy đồi. Các giá trị tinh thần nền tảng bị xem nhẹ, bệnh vô cảm tràn lan, niềm tin, lòng tin của dân giảm sút.
 
    Kinh tế chậm phát triển, tái lạm phát tiềm tàng và khủng hoảng có nhiều dấu hiệu tăng lên. Nợ xấu, nợ công gia tăng, tới giới hạn nguy hiểm. Tham nhũng có thể làm hỏng cả vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, làm giảm sút nghiêm trọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho phát triển tiềm lực quốc gia.
 
    Làm suy yếu Đảng và Nhà nước, đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã chỉ ra. 
 
3. Những giải pháp phòng, chống
 
    Cần thiết phải đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong toàn Đảng, toàn dân, trong Nhà nước và các đoàn thể, tạo ra áp lực xã hội và đề cao dũng khí của cả dân tộc trong việc giải quyết quốc nạn tham nhũng. Hai trụ cột lớn, nó như những bệ đỡ, những con đập chắn sóng đối với cơn lũ tham nhũng nguy hiểm này là Pháp luật và Đạo đức. Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay và lâu dài phải tạo được sức mạnh, trở thành động lực chính trị, tinh thần trong chống tham nhũng. Phải tiến hành nghiêm chỉnh việc dạy và học, giáo dục và thực hành đạo đức trong toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các công sở, các tổ chức kinh tế - xã hội, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn. Một bộ luật đạo đức của xã hội là cần thiết phải tính đến, đồng thời trong giáo dục, phải coi đạo đức là môn học hàng đầu, ở tất cả các bậc học. Tất cả mọi người lao động, các công chức bắt buộc phải qua khóa học đạo đức công chức, công vụ trước khi ngồi vào nhiệm sở. Giáo dục liêm sỉ trong tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và trong xã hội bằng tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Dấy lên trong xã hội luồng dư luận phê phán nghiêm khắc đối với tham nhũng, biết trọng liêm sỉ, danh dự, biết hổ thẹn, biết nhục vì tham nhũng. 
 
    Pháp luật, đặc biệt là pháp luật chống tham nhũng phải coi chống tham nhũng là chống một tội ác xã hội, trừng trị cái ác để bảo vệ cái thiện, sự lương thiện vì sự bình yên của cuộc sống, sự trong sạch của phẩm giá con người, sự lành mạnh của xã hội. Áp dụng “Quốc lệnh” của Hồ Chí Minh vào sự trừng phạt tham nhũng, bất chính, bất liêm. Đã tham nhũng thì phải trừng trị. Quyền càng cao, chức càng cao thì phải xử càng nặng để nêu gương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
 
    Áp dụng tổng hợp pháp luật - chính sách - cơ chế và chế tài theo kinh nghiệm của Singapore, sao cho mọi người giác ngộ và thực hiện: không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và cũng không thể tham nhũng bởi hàng rào kiểm soát và sự cảnh báo trừng phạt. Trong những việc ấy, phải cải cách triệt để chế độ tiền lương. Chính những bất hợp lý về lương, lương không đủ sống nên đẻ ra hội chứng cướp đoạt, làm cho công chức, viên chức không tận tâm, tận lực với công việc, với nghề, với người, thiếu vắng trách nhiệm và lẩn trốn trách nhiệm.
 
    Kiểm soát hành vi để phát hiện sớm và nghiêm trị kịp thời bằng những biện pháp quản lý, bằng công nghệ, đồng thời giáo dục ý thức tự kiểm soát, tự điều chỉnh của mỗi người.
Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng, tháng 9-2010.
Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng, tháng 9-2010.
    Bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng cùng gia đình họ bằng sức mạnh luật pháp và an ninh, đồng thời cũng nghiêm trị những sự lợi dụng chống tham nhũng để tố cáo sai, vu khống, làm nhục, làm hại người khác vì những động cơ xấu. 
 
    Lựa chọn nghiêm ngặt nhân sự lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao dựa trên tiêu chuẩn thực sự Đức - Tài, không chỉ căn cứ vào đánh giá, dự kiến của tổ chức mà còn thẩm định bởi đánh giá của xã hội, của công chúng, nhất là bảo đảm sự minh bạch thông tin, kể cả thông tin về tài sản. Phương châm là khuyến khích chuyên gia, tinh lọc, sàng lọc bộ máy quyền lực theo phương châm “thà ít mà tốt”. Bảo đảm có mặt trong bộ máy những tinh hoa, thực đức, thực tài, thực lực, thực chất. Muốn vậy, phải công khai tuyển chọn, tranh cử, xác lập hàng rào pháp lý - đạo đức để không thể dùng tiền, dùng quan hệ mà chạy chức, chạy quyền. Một khi đã đề cao thực chất và thực sự trọng dụng nhân tài, hiền tài thì những cái giả, những của giả, những “giả nhân cách” của kẻ cơ hội sẽ bị thải loại. Phải lắng nghe những thông tin phản hồi, những tiếng nói mách bảo của người dân đối với thể chế.
 
    Loại bỏ những hư danh, những thói hám danh, hám chức, tham quyền, tham tiền bằng một chế độ kiểm soát và xử lý nghiêm ngặt, sao cho thật - giả đều phải bộc lộ dưới ánh sáng của đạo lý và công lý. 
 
    Xóa bỏ đẳng cấp, đặc quyền, đặc lợi của những người nắm quyền, coi nắm giữ quyền lực chỉ là nghĩa vụ bổn phận do dân ủy thác, ủy quyền và nắm giữ chức vụ có thời hạn. Cái căn bản của cuộc sống đối với mọi người là nghề chuyên môn thành thạo, hữu ích cho xã hội, được sử dụng, được toàn dụng, được đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng. Được như thế, có thể chấm dứt, vô hiệu hóa thứ liên minh trục lợi giữa tiền và quyền. Quyền phải chân chính, ngay thẳng, tiền phải dùng cho xã hội, ích quốc lợi dân chứ không phải để mua danh, mua chức. Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh khuyến khích mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh vì sự phồn vinh giàu có của cá nhân và cộng đồng bằng lao động sáng tạo, hợp pháp nhưng phải nghiêm trị những hành vi kinh doanh chính trị, mua bán quyền, chức. 
 
    Đặt ra thể chế và chế tài mạnh để buộc tất cả mọi người giữ chức vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi và bổn phận của mình. Dùng sức ép của dư luận xã hội, áp lực hối thúc của danh dự, liêm sỉ để mau chóng từ chức khi không còn xứng đáng, khi mắc lỗi, phạm tội. Có những quy định pháp lý sao cho không từ chức thì buộc phải từ chức và phải chịu xử lý kèm theo. Thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm, phải đồng thời với bỏ phiếu bất tín nhiệm để miễn nhiệm, bãi nhiệm đúng lúc cần thiết. Không lạm dụng “lời xin lỗi”, biến nó thành hình thức, thành một thứ trống rỗng, giả dối, mị dân mà phải thực hành bằng sự sửa lỗi có hiệu quả, được đánh giá công khai bởi công luận. 
 
    Năng động hóa các chính sách và quy định, không sơ cứng máy móc để từ đó lại tạo ra những kẽ hở cho sự lợi dụng, trong đó có quy định chế độ tuổi làm việc, tuổi giữ và thôi chức vụ, tuổi nghỉ hưu. Cái cốt yếu là thực tài, thực đức, thực tín (có tín nhiệm thực sự).
 
    Đột phá về tổ chức chống tham nhũng đòi hỏi phải có một tổ chức độc lập do Quốc hội lập ra và cũng do Quốc hội điều phối. Tổ chức này phải được trao toàn quyền với một lực lượng tinh nhuệ, tài giỏi, công tâm, dám chịu trách nhiệm. Ban Chỉ đạo PCTN của Trung ương đặt ở cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng với những cơ quan tham mưu giúp việc để lãnh đạo ở tầm chiến lược là cần thiết. Song tổ chức thực hiện chống tham nhũng muốn hoạt động và hành xử đúng luật, hợp hiến, hợp pháp thì phải là một tổ chức độc lập, do cơ quan lập pháp (Quốc hội) lập ra, chịu trách nhiệm trước toàn dân. Xóa bỏ kiểu lựa chọn cơ hội, thực dụng “hạ cánh an toàn” của các công chức, quan chức. Phải làm cho tất cả mọi người ý thức rằng, đã tham nhũng thì phải bị trừng trị, dù có “hạ cánh” cũng “không an toàn”, vẫn bảo đảm cho dù tại vị hay đã thôi chức, đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động và hành vi của mình, nếu bị phát hiện tham nhũng, vẫn chịu xử lý theo luật pháp công minh khi có kết luận của điều tra, xét xử...
 
    Bằng những biện pháp như thế, có thể làm cho cuộc chiến chống tham nhũng để bảo vệ dân, bảo vệ chế độ có kết quả. Nó sẽ thay đổi tình hình, chuyển hóa từ “vô dược” thành “hữu dược” để trị “tham nhũng bệnh” thời nay.
(1) Tình trạng nêu trên có thể được hình dung ở chỗ, có pháp luật nhưng không dựa vào luật, không tuân thủ pháp luật. Một khái niệm bị biến tướng trong đời thường là khái niệm “làm luật” (tức là đưa tiền) pháp chế có vẻ tích cực nhưng pháp trị thì rất tiêu cực.
(2) Tống Văn Công: “Cha đẻ của tệ nạn phong bì”, Báo Lao động, ngày 27-11-2012.

GS, TS Hoàng Chí Bảo
(Chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương)

;
.