Quy định về hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật hình sự năm 1999
Thứ Tư, 18/12/2013, 16:09 [GMT+7]
Cảnh cáo là một trong các hình phạt thuộc hệ thống hình phạt chính của Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành. Cùng với các hình phạt khác (phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân và hình phạt tử hình), hệ thống hình phạt này cho phép Tòa án linh hoạt trong việc xem xét quyết định hình phạt áp dụng đối với từng tội phạm cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của Nhà nước do Tòa án áp dụng đối với người phạm tội. Theo Điều 29 Bộ luật hình sự năm 1999, “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”. So với các hình phạt chính khác, cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất vì nó không tước bỏ hoặc hạn chế bất cứ quyền lợi nào của người bị kết án mà chỉ lên án về tinh thần đối với họ. Nội dung của cảnh cáo chỉ thể hiện ở việc Tòa án tuyên bản án có tội đối với người bị kết án và Tòa án sẽ nhân danh Nhà nước lên án người bị kết án về việc họ đã thực hiện tội phạm. Hậu quả pháp lý duy nhất mà cảnh cáo mang lại cho người bị kết án là họ phải chịu án tích trong thời hạn một năm (Điều 64 Bộ luật hình sự). Tuy nhiên, hình phạt này cũng gây ra cho người bị kết án những tổn thất nhất định về mặt tinh thần, kể cả việc họ phải mang án tích.
Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự thì hình phạt cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (tức là có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó, có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự) và chưa đến mức được miễn hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, số tội phạm cụ thể quy định hình phạt cảnh cáo không nhiều, chỉ 35/272 tội (chiếm 12%), bao gồm: trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng thuộc các Chương 12 - Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; Chương 13 - Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; Chương 14 - Các tội xâm phạm sở hữu; Chương 15 - Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; Chương 16 - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Chương 19 - Các tội xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công cộng; Chương 20 - Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; Chương 21- Các tội phạm về chức vụ; Chương 22 - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp và Chương 23 - Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân.
Thực tiễn công tác xét xử cũng cho thấy việc áp dụng loại hình phạt này không đáng kể (ví dụ: theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2005 có 182 bị cáo, năm 2006 có 150 bị cáo được áp dụng loại hình phạt này).
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật hình sự về điều kiện áp dụng từng hình phạt cụ thể thì hình phạt cảnh cáo chỉ có thể áp dụng đối với người đã thành niên và người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội, chứ không thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, bởi lẽ, theo quy định hiện hành thì các hình phạt này chỉ áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và một số trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Trong khi đó theo Điều 12 Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, rõ ràng người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi nếu phạm tội và bị áp dụng hình phạt thì hình phạt mà họ bị áp dụng chỉ có thể là hình phạt tù có thời hạn.
Như vậy, các quy định hiện hành về hình phạt cảnh cáo cũng như thực tiễn áp dụng loại hình phạt này cho thấy, Bộ luật hình sự còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Phạm vi cho phép áp dụng hình phạt cảnh cáo tương đối hạn chế, chỉ áp dụng đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Hơn nữa, tại các tội phạm cụ thể cũng chỉ có 35 cấu thành quy định loại hình phạt này. Thực tiễn công tác xét xử cũng cho thấy, hình phạt này ít được áp dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, hình phạt cảnh cáo không có tác dụng phòng ngừa, răn đe tội phạm, có thể đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến các thẩm phán khi cân nhắc áp dụng hình phạt này đối với người phạm tội.
Từ hiệu quả của việc áp dụng hình phạt cảnh cáo trong việc giáo dục người phạm tội mà hiện nay, có các quan điểm khác nhau về sự tiếp tục duy trì hay không hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật hình sự.
Có quan điểm cho rằng, nên bỏ hình phạt cảnh cáo vì hình phạt này không đúng với bản chất của hình phạt là nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội theo điều 26 của Bộ luật hình sự mà chỉ gây tổn thất về tinh thần đối với họ - nghĩa là tính cưỡng chế thấp; pháp luật hình sự của nhiều nước không quy định và nhất là có thể thay thế hình phạt này bằng hình phạt tiền - với ý nghĩa là hình phạt trung gian để xử lý hành vi phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngược lại với quan điểm trên, những người theo quan điểm cần giữ lại hình phạt cảnh cáo lại cho rằng, sự lên án công khai của Nhà nước với ý nghĩa là một hình phạt tuy không tước bỏ trực tiếp một số quyền của người phạm tội như các loại hình phạt khác; là cơ sở để thực hiện nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và thể hiện rõ chính sách nhân đạo trong xử lý tội phạm nhất là thực hiện chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.
Qua nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số quốc gia có nhiều nét tương đồng về chính trị như Việt Nam, đó là: Liên bang Nga, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hay Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy, trong pháp luật hình sự (hoặc Bộ luật hình sự) của các quốc gia này đều đã bỏ hình phạt cảnh cáo khỏi hệ thống hình phạt. Tuy nhiên, pháp luật hình sự của một số quốc gia Châu âu như Pháp, Đức, Bỉ hình phạt cảnh cáo vẫn tồn tại trong hệ thống hình phạt và tỷ lệ áp dụng hình phạt cảnh cáo ở các quốc gia này luôn chiếm một tỷ lệ khá cao. Việc bỏ hay không bỏ loại hình phạt này trong Bộ luật hình sự còn phải được tiếp tục nghiên cứu trong mối liên hệ với truyền thống lập pháp và thực trạng áp dụng các hình phạt ở Việt Nam hiện nay. Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, vì đề cao mục đích trừng trị của hình phạt, nên Bộ luật hình sự quy định các hình phạt tước tự do, nhất là hình phạt tù có thời hạn chiếm một tỷ lệ rất lớn. Việc duy trì một tỷ lệ cao hình phạt tù áp dụng cho các loại tội cũng như việc hạn chế khả năng cá thể hóa hình phạt của thẩm phán (Xem khoản 3, Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985 và điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 về quyết định hình phạt trong trường hợp nhẹ hơn quy định của Luật) cũng như yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hiện nay đã dẫn đến tình trạng lạm dụng áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội. Việc áp dụng một thời gian dài các quy định như vậy không những không làm giảm tình trạng phạm tội mà tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng. Điều này làm cho chúng ta phải tính toán lại về chính sách hình sự của mình, nhất là các quy định liên quan đến tính đa dạng của hệ thống hình phạt cũng như việc mở rộng thẩm quyền của thẩm phán nhằm thực hiện tốt hơn nguyên tắc cá thể hóa hình phạt.
Trong xu thế hội nhập như hiện nay, việc nghiên cứu, đề xuất các hình phạt không có tính chất tước tự do là cần thiết, mặt khác, nhằm tạo cơ hội cho thẩm phán quyền được lựa chọn hình phạt phù hợp, tương ứng với mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, bảo đảm mục đích của hình phạt thì việc duy trì hình phạt cảnh cáo là cần thiết.
Bên cạnh đó, cần xem xét mở rộng khả năng áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội hoặc với người phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp chưa gây hậu quả hoặc gây thiệt hại không lớn hoặc đã khắc phục phần lớn thiệt hại và được người bị hại xin giảm nhẹ...
Thảo Linh
;