Kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số từ năm 2010 đến 2013

Thứ Bảy, 07/12/2013, 08:50 [GMT+7]

    Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,27% dân số cả nước, sống tập trung chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Lao động nông thôn (LĐNT), lao động dân tộc thiểu số (LĐDTTS) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp (trên 70%), công nghiệp - xây dựng (khoảng 10%), dịch vụ (khoảng 20%). Đa số LĐNT, LĐDTTS từ 15 tuổi trở lên có trình độ tiểu học và trung học cơ sở; số lao động trong độ tuổi không biết chữ chiếm tỷ lệ cao, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đời sống của đa số đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 tại vùng DTTS khoảng 38%; phong tục, tập quán của một số DTTS còn lạc hậu; trình độ sản xuất lạc hậu, thô sơ; năng suất, hiệu quả lao động thấp; phần lớn sản xuất tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa chậm phát triển hoặc quy mô nhỏ, lẻ, tự phát… Do vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến chính sách đào tạo nghề cho LĐNT vùng DTTS giúp họ thoát nghèo một cách bền vững, có cuộc sống ngày càng đầy đủ và phát triển hơn.

    Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2013, Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số từ năm 2010 đến 2013”. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và các Bộ, ngành liên quan (Các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp vaf Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Dân tộc); tổ chức 05 đoàn, trực tiếp giám sát tại 12 tỉnh vùng dân tộc thiểu số (vùng DTTS) (gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang, An Giang), yêu cầu 51 tỉnh, thành phố báo cáo theo đề cương và biểu mẫu, gửi cho Hội đồng Dân tộc; kết quả giám sát cụ thể như sau:

    1. Về hoạt động tuyên truyền, tư  vấn học nghề và việc làm

    Công tác thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề cho LĐNT, DTTS đã được các Bộ ngành, địa phương quan tâm. Các phương tiện thông tin, truyển thông Trung ương đã cố gắng biên soạn, chuyển tải tin, bài về đào tạo nghề nông thôn qua các kênh phát thanh, truyền hình phủ sóng toàn quốc. Một số Bộ đã phối hợp với các cơ quan truyển thông, thực hiện các số chuyên đề, phóng sự về đào tạo nghề cho LĐNT, LĐDTTS; phát hành nhiều tin, bài, ảnh, tờ rơi liên quan đến đào tạo nghề, cơ hội việc làm, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; giới thiệu giống mới; thông tin, quảng bá về công nghệ, cơ sở chế biến sau thu hoạch, giới thiệu thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; liên kết, hỗ trợ đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho LĐNT, LĐDTTS. Hầu hết các địa phương đều xây dựng chuyên trang về đào tạo nghề cho LĐNT, tổ chức phát sóng phát thanh, truyền hình hàng tuần. Các báo địa phương đã chú trọng việc tăng cường dung lượng tin bài, ảnh về đào tạo nghề cho LĐNT.

    2.  Về công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng chương trình, tài liệu dạy nghề cho LĐNT, LĐDTTS

    Các địa phương đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động theo từng lĩnh vực nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và cấp độ đào tạo. Căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu học nghề và sử dụng lao động, UBND các tỉnh đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề cấp tỉnh, huyện; xây dựng danh mục nghề đào tạo, kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm; phê duyệt định mức chi phí đào tạo cho từng nghề đào tạo; phân bổ kế hoạch, huy động các cơ sở dạy nghề thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề…

    3. Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề

    Tại 51 tỉnh có DTTS, cư trú tập trung theo cộng đồng đã có 468 cơ sở đào tạo nghề (Trung tâm dạy nghề, hoặc Trường Trung cấp nghề công lập) được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, với tổng kinh phí 2.311,6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.968,1 tỷ, chiếm 85,2%; ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn khác 343,5 tỷ đồng, chiếm 14,8%).

    Ngoài ra, tại các tỉnh có đông LĐDTTS, đã có 01 Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên và 10 Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú (Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang, Kiên Giang); 02 khoa Dân tộc nội trú tại Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình và Sóc Trăng; xây dựng ký túc xá, trang thiết bị dạy nghề cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề của một số tỉnh.

    4. Về phát triển chương trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề

    Các Bộ đã ban hành chương trình dạy nghề, danh mục thiết bị dạy nghề các trình độ sơ cấp, ngắn hạn; một số Bộ xây dựng bộ câu hỏi, tài liệu hướng dẫn xây dựng mô hình nghề… làm căn cứ cho các cơ sở dạy nghề của địa phương tham khảo, xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy, tổ chức xây dựng các mô hình phù hợp với từng nghề, trình độ lao động của từng địa phương. Tại 51 tỉnh đã phát triển được đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn kỹ thuật tham gia dạy nghề khá với 9.811 giáo viên cơ hữu, 7.847 giáo viên thỉnh giảng, 9.790 người dạy nghề. Hiện có 1.197 cơ sở, đơn vị tham gia dạy nghề cho LĐNT, LĐDTTS; 379/440 cơ sở dạy nghề bố trí được giáo viên cơ hữu theo quy định (chiếm 86,1%).

    Các địa phương đã quan tâm tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề cho giáo viên và cho người dạy nghề. Đến tháng 6-2013, gần 10.000 người dạy nghề được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng dạy nghề; gần 8.000 giáo viên các Trung tâm dạy nghề được đào tạo chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, sư phạm. Đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 13.254 cán bộ quản lý dạy nghề (100% cán bộ quản lý dạy nghề cấp huyện, 70% cán bộ quản lý dạy nghề cấp xã) về dạy nghề cho LĐNT.

    Việc bố trí, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề đã được quan tâm. Có 50/51 tỉnh thành lập Phòng quản lý dạy nghề thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (còn tỉnh Lai Châu chưa thành lập ); 306/554 huyện (chiếm 55,2%) bố trí được biên chế chuyên trách quản lý dạy nghề thuộc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội.

    5. Về hoạt động kiểm tra, giám sát

    Hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo nghề cho LĐNT vùng DTTS tại các địa phương đã được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm. Trong hơn 3 năm, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá tại 20 tỉnh. Ban Chỉ đạo của 51 tỉnh đã tổ chức 9.801 đoàn kiểm tra, đánh giá thực hiện Đề án. Qua giám sát, kiểm tra, Ban Chỉ đạo các cấp và cơ quan thanh tra của các địa phương đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm trong việc quản lý, thực hiện chính sách dạy nghề cho LĐNT, bảo đảm việc thực hiện các chính sách  của Đề án đúng mục tiêu và đối tượng.

    6. Về bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong 03 năm (2010 -2012)

    Tổng kinh phí Trung ương đã bố trí 4.877.041 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ dạy nghề cho LĐNT là 1.641,543 tỷ đồng; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề là 2.930,712 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã là 251,992 tỷ đồng. Tổng kinh phí địa phương đã bố trí 989,105 tỷ đồng, trong đó: Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy nghề 479,644 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng kinh phí đầu tư; hỗ trợ dạy nghề 509,461 tỷ đồng, chiếm 31% tổng kinh phí hỗ trợ. Kinh phí lồng ghép của các chương trình, dự án và nguồn vốn khác hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT 71,850 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng kinh phí hỗ trợ.
Theo số liệu tập hợp từ các Đoàn giám sát và báo cáo của 20 tỉnh: Tổng kinh phí 20 tỉnh, thành phố đã bố trí thực hiện các mục tiêu tạo nghề cho LĐNT là 503,378 tỷ đồng. Một số tỉnh báo cáo về số kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí trên 2,500 tỷ đồng: 04 tỉnh thu từ nguồn đóng góp của người học nghề: 837,304 triệu đồng; 02 tỉnh có kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp: 1.683 triệu đồng.

    7. Về kết quả thực hiện một số mục tiêu đào tạo nghề đến tháng 6-2013

    - Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn vùng DTTS: Tổng số LĐNT được học nghề: 886.621 người, trong đó LĐDTTS 223.792 người, chiếm tỷ lệ 25,24% so với tổng số lao động được đào tạo. Tỷ lệ LĐDTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề theo Đề án 1956: 223.792/7.820.909 người, chiếm tỷ lệ 2,86% (trong khi tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề của của cả nước là 37,3%). Tổng số LĐNT sau học nghề có việc làm: 620.028 người, đạt tỷ lệ 73,07% so với tổng số lao động đã học xong nghề.

    Tỷ lệ LĐNT, LĐDTTS tự tạo việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ cao 63,1%; đặc biệt lao động học nghề nông nghiệp tự tạo việc làm chiếm tỷ lệ rất cao (87,74%). Kết quả đào tạo nghề dưới một năm của 32 tỉnh chỉ chiếm tỷ lệ 4,97% ( 938.930/18.874.910) so với lao động trong độ tuổi. Kết quả đào tạo nghề dưới một năm của 26 tỉnh có đông đồng bào DTTS: số LĐDTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề dưới một năm chỉ chiếm tỷ lệ 5,73% (277.659/4.850.247 người). Kết quả đào tạo trình độ trung cấp nghề của 21 tỉnh có đông đồng bào DTTS chỉ chiếm tỷ lệ 0,48% so với tổng số LĐDTTS (18.641/3.887.043 người). Kết quả đào tạo trình độ cao đẳng nghề của 16 tỉnh có đông đồng bào DTTS chỉ chiếm tỷ lệ 0,17% so với tổng số LĐDTTS (6.016/3.445.927 người).

    Tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước giảm khá cao, từ 14,27% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (giảm 4,67%). Tỷ lệ hộ nghèo tính theo các vùng giảm từ 4,24% đến 7,91%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ cận nghèo của cả nước lại giảm rất ít, từ 7,51% năm 2010 xuống 6,57% năm 2012 (0,94%). Tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh có đông đồng bào DTTS tại 4 vùng cao hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước: Hà Giang 35,03%; Điện Biên 45,38%; Quảng Bình 39,49%; Quảng Trị 40,21%; Đắk Lắk 27,95%; Đắk Nông 38,58%; Sóc Trăng 28,24%; Trà Vinh 29,14%.

    Hơn 3 năm, có 16.000 LĐDTTS được thụ hưởng chính sách xuất khẩu lao động, đã đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,  trong đó 7.132 LĐDTTS  thuộc 62 huyện nghèo. Đa số LĐDTTS đi xuất khẩu lao động đều có việc làm, thu nhập ổn định. Số lao động có thu nhập khá cao đã gửi tiền về cho gia đình. Các hộ gia đình nhờ có nguồn thu nhập này đã thoát nghèo, đầu tư xây dựng nhà, mua sắm tài sản, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

    Các kết quả nêu trên cho thấy, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT gắn với thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới; xác định rõ các mục tiêu, chính sách, đối tượng phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015. Công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, mục tiêu, tổ chức tập huấn triển khai thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT vùng DTTS đã đạt những kết quả nhất định, bước đầu tạo được sự chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động về ý nghĩa, sự cần thiết của việc học nghề đối với LĐNT, gắn mục đích học nghề với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về lao động và việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn, miền núi vùng DTTS.   

    Hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề cho LĐNT được tập trung đầu tư, phát triển từ cấp tỉnh, đến cấp huyện. Nhiều tỉnh miền núi, khu vực nông thôn, có đông đồng bào DTTS, nhiều huyện nghèo đã có cơ sở đào tạo nghề. Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án, nhiều địa phương đã được đầu tư, đưa vào sử dụng những cơ sở đào tạo nghề, trang bị tương đối đầy đủ. Bước đầu đã hình thành  đội ngũ giáo viên dạy nghề, người dạy nghề, cán bộ quản lý theo yêu cầu của các cơ sở đào tạo nghề. Một số địa phương đã quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên, thu hút cán bộ chuyên môn, nghệ nhân, nhà kinh doanh... tham gia dạy nghề, hướng dẫn thực hành, trực tiếp truyền nghề cho lao động học nghề. Hầu hết các tỉnh đều có từ 1 - 3 Trường Cao đẳng nghề, một số Trường Trung cấp nghề; các huyện đều có Trung tâm đào tạo nghề hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên. Một số địa phương tổ chức mô hình dạy nghề lưu động, liên kết các cơ sở dạy nghề của địa phương với các Bộ, ngành Trung ương, với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phối hợp đào tạo nghề, bố trí việc làm cho người lao động.

    Bên cạnh việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT theo nhu cầu học nghề, các địa phương và cơ sở dạy nghề đã quan tâm xây dựng, phát triển mô hình dạy nghề phù hợp địa phương. Một số mô hình thí điểm dạy nghề ở các tỉnh bước đầu có hiệu quả, giúp cho LĐNT, LĐDTTS có được những nhận thức mới về kinh nghiệm, kỹ thuật lao động sản xuất, tạo việc làm ổn định và thu nhập cao hơn nhờ được học nghề. Một số mô hình đã thực sự góp phần cải thiện đời sống cho gia đình, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần quan trọng phát huy nội lực của đồng bào các DTTS trong xóa đói giảm nghèo.

    Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, LĐNT vùng DTTS được đào tạo chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất (dưới 3 tháng). Đặc biệt, thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên đối với người học nghề là người DTTS. Một số quy định, định mức về hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, LĐDTTS chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương: các quy định về mức chi hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại quá thấp và bất cập về cự ly từ nơi cư trú đến cơ sở đào tạo nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tuy đã được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, nhiều cơ sở có quy mô, thiết bị khá đầy đủ với nhiều ngành nghề đào tạo... nhưng đã và đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là công tác quy hoạch chưa phù hợp, quá tập trung các cơ sở đào tạo nghề tại trung tâm huyện, thành phố; ít cơ sở đào tạo, hoặc cơ sở phân hiệu tại các trung tâm cụm xã (tâm lý người học không muốn đi học xa nhà; một số nghề đào tạo ngắn hạn chủ yếu gắn với mô hình dạy nghề tại xã, thôn, bản...). Thực trạng này vừa dẫn đến khó khăn, thiếu chủ động cho công tác phân luồng đào tạo, vừa phát sinh phải tổ chức các lớp đào tạo nghề lưu động về cơ sở gây không ít khó khăn cho cả người dạy và người học, nhất là khâu thực hành.

    Nhiều cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư đồng bộ, mới đầu tư một số hạng mục (nhà hiệu bộ, khu giảng đường, khu ký túc, bếp ăn, công trình phụ trợ); hầu hết các cơ sở đào tạo nghề đều rất thiếu trang thiết bị dạy nghề, phòng thực hành, nhà xưởng. Có nơi chưa khai thác đúng công năng các cơ sở, thiết bị, chưa đáp ứng các nhu cầu học nghề và chất lượng đào tạo. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu cả về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chưa huy động được các nhà khoa học, các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao sẵn có tại địa phương tham gia dạy nghề cho LĐDTTS. Nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa bố trí đủ biên chế giáo viên; trong khi có không ít trường lại không thu hút được người học, hoặc không được hợp đồng đào tạo theo kế hoạch. Tình trạng này dẫn đến lãng phí cả vốn đầu tư và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

    Công tác tuyên truyền về nghề đào tạo, cơ hội việc làm, thu nhập... cho LĐNT, nhất là LĐDTTS còn hạn chế. Chưa xác định trọng tâm tuyên truyền, vận động; nội dung, phương thức tuyên truyền còn chung chung, chưa phù hợp đối tượng LĐDTTS. Hoạt động quảng bá, tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm, hạn chế; chưa gắn công tác tuyển sinh với cơ hội tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Một số nội dung, chương trình đào tạo nghề còn nặng về lý thuyết, chưa thực sự phù hợp với trình độ nhận thức của LĐNT, đặc biệt là LĐDTTS. Hầu hết đối tượng học nghề ở nông thôn chỉ được đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Đa số người lao động sau khi được đào tạo nghề vẫn làm nghề cũ (nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 80%). Tỷ lệ LĐDTTS được đào tạo nghề rất thấp (dưới 3% so với LĐDTTS trong độ tuổi). Hầu hết các tỉnh đều không đạt mục tiêu xuất khẩu lao động đối với LĐNT, LĐDTTS. Đối tượng lao động nông dân là người DTTS vẫn ít có cơ hội được học nghề bài bản, chính quy hơn (chương trình từ trung cấp trở lên).

    Một số địa phương chưa quan tâm xác định rõ đối tượng ưu tiên dạy nghề (Đề án 1956 xác định đối tượng ưu tiên là người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, DTTS, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác); chưa tính đến các yếu tố đặc thù về LĐNT, LĐDTTS và các đặc điểm của miền núi, vùng DTTS... Nhiều nơi đào tạo nghề chạy theo kế hoạch (số lượng), chưa chú trọng phương pháp, hình thức đào tạo phù hợp, nên chất lượng sau đào tạo nghề còn thấp, hiệu quả đào tạo nghề chưa đạt mục tiêu của Đề án. Chưa phát huy tốt vai trò các doanh nghiệp tham gia đào tạo và dạy nghề, gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông dân.

    Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên; trong đó, về khách quan, vùng DTTS nói chung còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thường cao hơn 3 lần so với trung bình của các tỉnh; kỹ năng lao động trong vùng lạc hậu, năng suất thấp kéo dài qua nhiều thế hệ. Tác động, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, trong nước, hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều sụt giảm, đình trệ, sản xuất kinh doanh kém và không hiệu quả ảnh hưởng đến thị trường lao động, việc làm. Mặt khác, vùng DTTS là những khu vực kinh tế chậm phát triển, xa các trung tâm phát triển, nên các doanh nghiệp ít mặn mà, không muốn đến đầu tư.

    Về chủ quan, có thể thấy sự thiếu thống nhất trong phối hợp về nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến đào tạo và dạy nghề giữa các Bộ, nhất là mối quan hệ giữa Bộ LĐTB&XH (cơ quan chủ trì thực hiện Đề án) với các Bộ, ngành. Chưa phát huy tốt vai trò của các Bộ (như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc…) tham gia chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề ở vùng nông thôn DTTS (hơn 70% lao động DTTS làm nông nghiệp). Nhận thức của các cấp, các ngành chưa đầy đủ; chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho LĐNT, LĐDTTS trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự bao cấp, giúp đỡ của Trung ương còn nặng nề.

     Bản thân người lao động, đặc biệt là người DTTS, miền núi chưa nhận thức đúng, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học nghề để lập nghiệp, chưa mạnh dạn tham gia, động viên con em học nghề; chủ yếu tham gia các lớp ngắn hạn dưới 03 tháng và tập trung vào nghề nông, lâm nghiệp. Nhiều lao động DTTS chưa coi việc học nghề là yếu tố cần thiết để tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình.

    Nguồn lực bố trí cho công tác dạy nghề thấp. Kinh phí bố trí mới đáp ứng được 20 - 50% nhu cầu vốn; tiến độ giải ngân chậm, khó khăn cho địa phương trong việc triển khai. Cơ cấu bố trí vốn chưa phù hợp: Tỷ lệ đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo chiếm phần lớn, tỷ lệ chi cho đào tạo nghề, chi hỗ trợ cho người học thấp. Vai trò tham gia đào tạo, dạy nghề của các doanh nghiệp cho nông dân còn rất hạn chế. Một số cơ sở chưa thu hút được đủ đối tượng, thiếu năng lực đào tạo, hoặc chưa được đầu tư đủ trang thiết bị, điều kiện thực hành... dẫn đến lãng phí.

    Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với chính sách đào tạo nghề cho LĐNT chưa được các cấp, ngành, địa phương, cơ quan quan tâm thường xuyên; không có tiêu chí cụ thể, khoa học, khách quan để đánh giá kết quả và hiệu quả  đào tạo nghề. Quá trình thực hiện vẫn còn sai sót, thất thoát, lãng phí.

    Để thống nhất quản lý, tăng cường hiệu quả trong đào tạo nghề cho LĐNT vùng DTTS, Báo cáo giám sát đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:

    Một là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung “Luật dạy nghề” thành “Luật giáo dục nghề nghiệp”, bao gồm cả hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp. Trước mắt, sớm nghiên cứu, thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 7 Luật dạy nghề với nội dung khẳng định rõ quan điểm của Nhà nước về phát triển dạy nghề: “Có chính sách phát triển dạy nghề và giải quyết việc làm ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và cho lao động là người dân tộc thiểu số”.

    Hai là, tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn và vùng DTTS; bảo đảm sự công bằng về cơ hội đào tạo nghề, giảm sự chênh lệch về tỷ lệ đào tạo nghề, việc làm và thu nhập giữa các vùng, miền, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, DTTS, vùng đặc biệt khó khăn so với mức trung bình của các tỉnh.

    Ba là, cần tập trung nguồn lực, ưu tiên cho đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS, hộ bị thu hồi đất, tái định cư. Gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động, nhu cầu học nghề của LĐNT, LĐDTTS; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của thị trường lao động trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xác định đúng danh mục nghề đào tạo; xây dựng kế hoạch đào tạo. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, LĐDTTS phải phù hợp, gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Bốn là, nghiên cứu phương án thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề; sớm hợp nhất quản lý và đào tạo nghề đối với Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở cấp huyện trong một đơn vị sự nghiệp của nhà nước, trực thuộc UBND huyện. Đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo nghề, bố trí việc làm cho LĐNT, LĐDTTS, lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất.

    Năm là, tạo điều kiện và cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập tham gia đào tạo, dạy nghề gắn với thu hút lao động nông thôn vào doanh nghiệp.

Thảo Linh

;
.