Kinh nghiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng của một số nước
Chất lượng công trình xây dựng là những yêu cầu về an toàn, bền vững, kỹ thuật và mỹ thuật của công trình nhưng phải phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hợp đồng kinh tế. Chất lượng công trình xây dựng không những liên quan trực tiếp đến an toàn sinh mạng, an ninh công cộng, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình mà còn là yếu tố quan trọng bảo đảm sự phát triển của mỗi quốc gia. Do vậy, quản lý chất lượng công trình xây dựng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
1. Cộng hòa Pháp
Nước Pháp đã hình thành một hệ thống pháp luật tương đối nghiêm ngặt và hoàn chỉnh về quản lý giám sát và kiểm tra chất lượng công trình xây dựng. Ngày nay, nước Pháp có hàng chục công ty kiểm tra chất lượng công trình rất mạnh, đứng độc lập ngoài các tổ chức thi công xây dựng. Pháp luật của Cộng hòa Pháp quy định các công trình có trên 300 người hoạt động, độ cao hơn 28 m, nhịp rộng hơn 40 m, kết cấu cổng sân vườn ra trên 200 m và độ sâu của móng trên 30 m đều phải tiếp nhận việc kiểm tra giám sát chất lượng có tính bắt buộc và phải thuê một công ty kiểm tra chất lượng được Chính phủ công nhận để đảm đương phụ trách và kiểm tra chất lượng công trình.
Ngoài ra, tư tưởng quản lý chất lượng của nước Pháp là “ngăn ngừa là chính”. Do đó, để quản lý chất lượng các công trình xây dựng, Pháp yêu cầu bảo hiểm bắt buộc đối với các công trình này. Các hãng bảo hiểm sẽ từ chối bảo hiểm khi công trình xây dựng không có đánh giá về chất lượng của các công ty kiểm tra được công nhận. Họ đưa ra các công việc và các giai đoạn bắt buộc phải kiểm tra để ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra chất lượng kém. Kinh phí chi cho kiểm tra chất lượng là 2% tổng giá thành. Tất cả các chủ thể tham gia xây dựng công trình bao gồm chủ đầu tư, thiết kế, thi công, kiểm tra chất lượng, sản xuất bán thành phẩm, tư vấn giám sát đều phải mua bảo hiểm nếu không mua sẽ bị cưỡng chế. Chế độ bảo hiểm bắt buộc đã buộc các bên tham gia phải nghiêm túc thực hiện quản lý, giám sát chất lượng vì lợi ích của chính mình, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của khách hàng.
2. Hoa Kỳ
Quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật Mỹ rất đơn giản vì Mỹ dùng mô hình 3 bên để quản lý chất lượng công trình xây dựng. Bên thứ nhất là các nhà thầu (thiết kế, thi công…) tự chứng nhận chất lượng sản phẩm của mình. Bên thứ hai là khách hàng giám sát và chấp nhận về chất lượng sản phẩm có phù hợp với tiêu chuẩn các yêu cầu đặt hàng hay không. Bên thứ ba là một tổ chức tiến hành đánh giá độc lập nhằm định lượng các tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ cho việc bảo hiểm hoặc giải quyết tranh chấp. Giám sát viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về mặt trình độ chuyên môn, có bằng cấp chuyên ngành; chứng chỉ do Chính phủ cấp; kinh nghiệm làm việc thực tế 03 năm trở lên; phải trong sạch về mặt đạo đức và không đồng thời là công chức Chính phủ.
3. Liên bang Nga
Luật xây dựng đô thị của Liên bang Nga quy định khá cụ thể về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, tại Điều 53 của Luật này, giám sát xây dựng được tiến hành trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản nhằm kiểm tra sự phù hợp của các công việc được hoàn thành với hồ sơ thiết kế, với các quy định trong nguyên tắc kỹ thuật, các kết quả khảo sát công trình và các quy định về sơ đồ mặt bằng xây dựng của khu đất.
Giám sát xây dựng được tiến hành đối với đối tượng xây dựng. Chủ xây dựng hay bên đặt hàng có thể thuê người thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ thiết kế để kiểm tra sự phù hợp các công việc đã hoàn thành với hồ sơ thiết kế. Bên thực hiện xây dựng có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan giám sát xây dựng nhà nước về từng trường hợp xuất hiện các sự cố trên công trình xây dựng.
Việc giám sát phải được tiến hành ngay trong quá trình xây dựng công trình, căn cứ vào công nghệ kỹ thuật xây dựng và trên cơ sở đánh giá xem công trình đó có bảo đảm an toàn hay không. Việc giám sát không thể diễn ra sau khi hoàn thành công trình. Khi phát hiện thấy những sai phạm về công việc, kết cấu, các khu vực kỹ thuật công trình, chủ xây dựng hay bên đặt hàng có thể yêu cầu giám sát lại sự an toàn các kết cấu và các khu vực mạng lưới bảo đảm kỹ thuật công trình sau khi loại bỏ những sai phạm đã có. Các biên bản kiểm tra các công việc, kết cấu và các khu vực mạng lưới bảo đảm kỹ thuật công trình được lập chỉ sau khi đã khắc phục được các sai phạm.
Việc giám sát xây dựng của cơ quan nhà nước được thực hiện khi xây dựng các công trình xây dựng cơ bản mà hồ sơ thiết kế của các công trình đó sẽ được các cơ quan nhà nước thẩm định hoặc là hồ sơ thiết kế kiểu mẫu; cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng nếu hồ sơ thiết kế của công trình đó được cơ quan nhà nước thẩm định; xây dựng các công trình quốc phòng theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga. Những người có chức trách thực hiện giám sát xây dựng nhà nước có quyền tự do ra vào đi lại tại các công trình xây dựng cơ bản trong thời gian hiệu lực giám sát xây dựng nhà nước.
4. Trung Quốc
Trung Quốc bắt đầu thực hiện giám sát trong lĩnh vực xây dựng công trình từ những năm 1988. Vấn đề quản lý chất lượng công trình được quy định trong Luật xây dựng Trung Quốc. Phạm vi giám sát xây dựng các hạng mục công trình của Trung Quốc rất rộng, thực hiện ở các giai đoạn, như: giai đoạn nghiên cứu tính khả thi thời kỳ trước khi xây dựng, giai đoạn thiết kế công trình, thi công công trình và bảo hành công trình - giám sát các công trình xây dựng, kiến trúc. Người phụ trách đơn vị giám sát và kỹ sư giám sát đều không được kiêm nhiệm làm việc ở cơ quan nhà nước. Các đơn vị thiết kế và thi công, đơn vị chế tạo thiết bị và cung cấp vật tư của công trình đều chịu sự giám sát.
Quy định chất lượng khảo sát, thiết kế, thi công công trình phải phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn Nhà nước. Nhà nước chứng nhận hệ thống chất lượng đối với đơn vị hoạt động xây dựng. Tổng thầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng trước chủ đầu tư. Đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình thực hiện; chỉ được bàn giao công trình đưa vào sử dụng sau khi đã nghiệm thu. Quy định về bảo hành, duy tu công trình, thời gian bảo hành do Chính phủ quy định.
Đối với hai chủ thể quan trọng nhất là Chính quyền và các tổ chức cá nhân làm ra sản phẩm xây dựng, quan điểm của Trung Quốc thể hiện rất rõ trong các quy định của Luật xây dựng là “Chính quyền không phải là cầu thủ và cũng không là chỉ đạo viên của cuộc chơi. Chính quyền viết luật chơi, tạo sân chơi và giám sát cuộc chơi”.
5. Singapore
Chính quyền Singapore quản lý rất chặt chẽ việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Ngay từ giai đoạn lập dự án, chủ đầu tư phải thỏa mãn các yêu cầu về quy hoạch xây dựng, an toàn, phòng, chống cháy nổ, giao thông, môi trường thì mới được cơ quan quản lý về xây dựng phê duyệt.
Ở Singapore không có đơn vị giám sát xây dựng hành nghề chuyên nghiệp. Giám sát xây dựng công trình là do một kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành thực hiện. Họ nhận sự ủy quyền của Chủ đầu tư, thực hiện việc quản lý giám sát trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình. Theo quy định của Chính phủ thì đối với cả 02 trường hợp Nhà nước đầu tư hoặc cá nhân đầu tư đều bắt buộc phải thực hiện việc giám sát. Do vậy, các chủ đầu tư phải mời kỹ sư tư vấn giám sát để giám sát công trình xây dựng.
Đặc biệt, Singapore yêu cầu rất nghiêm khắc về tư cách của kỹ sư giám sát. Họ nhất thiết phải là các kiến trúc sư và kỹ sư chuyên ngành đã đăng ký hành nghề ở các cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước xác định. Chính phủ không cho phép các kiến trúc sư và kỹ sư chuyên nghiệp được đăng báo quảng cáo có tính thương mại, cũng không cho phép dùng bất cứ một phương thức mua chuộc nào để môi giới mời chào giao việc. Do đó, kỹ sư tư vấn giám sát thực tế chỉ nhờ vào danh dự uy tín và kinh nghiệm của các cá nhân để được các chủ đầu tư giao việc.
Thảo Trang