Sự cần thiết phải ban hành Luật đấu thầu (sửa đổi)
(BNCTW) - Luật đấu thầu năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành hai Luật này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng đưa các hoạt động đấu thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước dần đi vào nề nếp; góp phần thiết lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho các hoạt động đấu thầu phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, công trình, giúp tiết kiệm nguồn vốn có hạn của nhà nước.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước cũng bộc lộ một số bất cập: tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều và còn hạn chế ở một số địa phương; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và quan tâm đúng mức; có tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước.
Lễ mở thầu gói thầu Xây dựng cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội |
Trong quá trình thực hiện, Luật đấu thầu cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế và bất cập, cụ thể như sau:
- Các quy định về đấu thầu còn tản mạn, quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản, gây khó khăn trong quá trình quản lý và thực hiện, cụ thể: Đấu thầu lựa chọn nhà thầu được quy định tại Luật dđấu thầu, Luật xây dựng và Luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật số 38/2009/QH12). Đấu thầu theo phương thức mua sắm tập trung được quy định tại Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg, Thông tư số 22/2008/TT-BTC. Đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công được quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg. Đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định tại Nghị định số 31/2005/NĐ-CP, Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg.
- Phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu năm 2005 còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhiều hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước đã phát sinh trong thời gian qua. Trên thực tế, các hoạt động nhằm mục đích công như cung cấp dịch vụ công ích nhưng không hình thành dự án; hoạt động sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài hoặc thực hiện dự án ODA ở nước ngoài; hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án sử dụng đất chưa được quy định cụ thể.
- Việc phân cấp trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản cho cơ quan nhà nước chưa được quy định cụ thể. Thủ tục trình duyệt chưa được tinh giản làm mất nhiều thời gian tổ chức hoạt động đấu thầu.
- Việc đánh giá hồ sơ dự thầu theo phương pháp giá đánh giá thấp nhất quy định tại Luật đấu thầu năm 2005 là phương pháp tiên tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng chưa tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam nên trong một số trường hợp khó áp dụng. Vì vậy, cần bổ sung thêm các phương pháp đánh giá mới để tạo tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có quy mô, tính chất khác nhau.
- Cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ. Thực tế cho thấy, một số hành vi lách luật hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đấu thầu đã phát sinh trong thời gian qua, nhưng chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh và chưa đầy đủ đối với tất cả các bên tham gia hoạt động đấu thầu; cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu chưa hợp lý và chưa rõ ràng trong trường hợp giải quyết tranh chấp tại tòa án.
- Hệ thống dữ liệu về đấu thầu còn nghèo nàn, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trong quá trình theo dõi, quản lý hoạt động đấu thầu cũng như xây dựng chính sách đấu thầu, đồng thời không tạo điều kiện để minh bạch hóa thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện chủ trương phân cấp mạnh và hướng đến thực hiện thủ tục đấu thầu qua mạng.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, cần ban hành Luật đấu thầu (sửa đổi) với tư cách là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động nhằm mục đích công như cung cấp dịch vụ công ích nhưng không hình thành dự án; hoạt động sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài hoặc thực hiện dự án ODA ở nước ngoài; hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án sử dụng đất chưa được quy định cụ thể. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đấu thầu, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu, Luật đấu thầu (sửa đổi) sẽ pháp điển hóa các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về hoạt động đấu thầu; quy định cụ thể việc phân cấp trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản cho cơ quan nhà nước, cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu. Bổ sung thêm các phương pháp đánh giá mới để tạo tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có quy mô, tính chất khác nhau. Xây dựng hệ thống dữ liệu về đấu thầu phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, tạo điều kiện để minh bạch hóa thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện chủ trương phân cấp mạnh và hướng đến thực hiện thủ tục đấu thầu qua mạng.
Nguyễn Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)