Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng trong tình hình mới

Thứ Năm, 10/10/2013, 15:27 [GMT+7]

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn nhiều hạn chế. Quyết tâm phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân rất cao nhưng chuyển biến còn chậm, còn có nhiều “khoảng tối” cho tham nhũng trú ngụ. Việc phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế như: Công tác kiểm tra của cơ quan, đơn vị không được thường xuyên, liên tục. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng hầu hết được người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo xử lý nội bộ mà không được chuyển đến cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Công tác thanh tra, kiểm toán chất lượng chưa cao, phân định dấu hiệu vi phạm hành chính và hình sự không rõ ràng, kết luận thanh tra, kiểm toán thiên về xử lý hành chính và thu hồi tài sản do vậy tỷ lệ phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán rất thấp chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nai, tố cáo của công dân chưa được đề cao, chất lượng thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đề xuất biện pháp giải quyết với cấp có thẩm quyền còn hạn chế và có biểu hiện bao che, nể nang, né tránh khi phát hiện hành vi tham nhũng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

  Việc xử lý tham nhũng chưa nghiêm khắc, xử lý hành chính, xử lý nội bộ còn chiếm tỷ lệ cao. Xử lý hình sự hiệu quả thấp, công tác điều tra, truy tố, xét xử còn sót lọt các hành vi tham nhũng như việc tách nhập hồ sơ vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn tuỳ tiện có lợi cho bị can, bị cáo. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ cũng như định hướng điều tra còn có biểu hiện chưa khách quan dẫn đến định tội danh không chính xác, nhiều hành vi tham nhũng đã được chuyển sang các tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm. Tỷ lệ án treo, mức án thấp chưa cân xứng với tính chất và hậu quả của hành vi tham nhũng gây ra. Còn có biểu hiện “ trên nhẹ, dưới nặng”, các tình tiết tăng nặng hình phạt, các trường hợp không cho hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng chưa được vận dụng phù hợp, các tình tiết giảm nhẹ hình phạt vận dụng chưa chính xác. Việc cho bị cáo hưởng dưới khung hình phạt trái với quy định của pháp luật còn xảy ra, điều kiện để xét giảm án, xét đặc xá đối với loại tội phạm này vận dụng còn tuỳ tiện chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý tài sản tham nhũng chưa kịp thời. Các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định về dẫn độ chưa đầy đủ dẫn đến việc bắt bị can trốn ra nước ngoài, xử lý tiền gửi, tài sản ở nước ngoài gặp khó khăn. Một số tội phạm có đủ cấu thành tội tham nhũng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự như tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội trốn thuế, tội lập quỹ trái phép… Chất lượng cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh, Trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn để xảy ra tham nhũng ở ngay bản thân các cơ quan này.

Để công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng đạt chất lượng, hiệu quả và dần đi vào nề nếp, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau :

 Một là, phát huy vai trò lãnh chỉ đạo của các cấp uỷ đảng trong việc phát hiện,  chỉ đạo kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị trong việc phát hiện, xử lý cán bộ công chức tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt chỉ thị 15 - CT/TW, ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng trong tình hình mới.  

Hai là, tăng cường phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán giám sát của các cơ quan chức năng, Nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm toán, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

  Ba là, tăng cường phát hiện tham nhũng qua điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự, nhất là qua các vụ án kinh tế, án ma tuý, đánh bạc, mại dâm… Mở rộng quan hệ với các tổ chức chống tội phạm quốc tế, khai thác để phát hiện các hành vi tham nhũng thông qua kênh thông tin của các cơ quan, tổ chức chống tội phạm quốc tế.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác giám sát và phản biện xã hội để phát hiện các hành vi tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, ngân hàng, tín dụng...

Năm là, Tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công chức và nhân dân nhận diện được các hành vi tham nhũng, có thái độ căm ghét và tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo ra môi trường xã hội tẩy chay các hành vi tham nhũng. Từ đó, khuyến khích quần chúng nhân dân và báo chí tham gia vào cuộc đấu tranh; Kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi trù dập người tố cáo.

Sáu là, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử án hình sự nói chung và án tham nhũng nói riêng đảm bảo khách quan, trung thực và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật không làm oan người vô tội , không để lọt tội phạm.Việc tách nhập hồ sơ vụ án, Đình chỉ, tạm đình chỉ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn bị can, bị cáo phạm tội tham nhũng phải thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Định tội danh cần xem xét động cơ phạm tội, hành vi, thủ đoạn phạm tội, khách thể bị xâm hại và các tình tiết khác trong vụ án để định tội, tránh tình trạng bị can, bị cáo có hành vi tham nhũng nhưng khi tiến hành điều tra, xử lý sang loại tội phạm khác. Hạn chế mức thấp nhất bị can, bị cáo phạm tội tham nhũng nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thậm chí đặc biệt nghiêm trọng mà cho hưởng mức án thấp hơn nhiều so với mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề hoặc cho hưởng án treo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bảy là, xây dựng một số đạo luật như Luật Bảo vệ nhân chứng, Bảo vệ người tố cáo,Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đạo đức công chức, Luật Bí mật nhà nước, quy định về giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh...Đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng, là công cụ hỗ trợ vô cùng cần thiết để các chủ thể trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiến hành các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cuộc đấu tranh trong tình mới.

    Sửa đổi, bổ sung các tội phạm có đủ cấu thành tội tham nhũng đưa vào Chương Các tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự đảm bảo việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt các hành vi tham nhũng. Quy định cụ thể việc vận dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, các trường hợp không cho hưởng án treo đối với các tội phạm tham nhũng tránh việc vận dụng tuỳ tiện, thiếu khách quan ảnh hưởng đến xử lý tội phạm tham nhũng gây dư luận xấu như hiện nay.

Tám là, bổ sung kịp thời cơ sở vật chất, các trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật hiện đại cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Và điều quan trọng hàng đầu là xây dựng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật “vừa hồng, vừa chuyên”, có lập trường quan điểm chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu đáp ứng được với cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng và phức tạp hiện nay.

                                                                  

                                                     Nguyễn Ngọc Bình
(Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)

;
.