Có nên giao cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được công chứng các giao dịch, hợp đồng
(BNCTW) - Công chứng có vai trò quan trọng trong cuộc sống, góp phần ngăn chặn và giải quyết các tranh chấp pháp lý; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để bảo đảm tính an toàn, pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, thời gian qua, Luật công chứng 2006 đã không giao cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài công chứng các giao dịch về bất động sản như: hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản. Do đó, người dân và doanh nghiệp của Việt Nam học tập, sinh sống và hoạt động ở nước ngoài khi thực hiện các quyền dân sự của mình phải về Việt Nam thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Quy định này đã không tạo điều kiện thuận lợi, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho cá nhân, tổ chức Việt Nam học tập, sinh sống, hoạt động tại nước ngoài khi thực hiện công chứng, chứng thực. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế như hiện nay thì quy định này càng tỏ ra không phù hợp. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của Việt Nam đang học tập, sinh sống, hoạt động ở nước ngoài.
Khắc phục bất cập trên, dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) (Điều 65) đã mở rộng thẩm quyền công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo hướng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được công chứng các hợp đồng, giao dịch sau:
- Các hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật công chứng và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam;
- Văn bản ủy quyền để thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến bất động sản, động sản ở Việt Nam;
- Di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản tại Việt Nam, văn bản tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.
Có thể thấy, quy định như trên phù hợp với chủ trương về cải cách hành chính và cải cách tư pháp hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp của Việt Nam học tập, sinh sống, làm việc ở nước ngoài trong việc thực hiện các quyền về tài sản tại Việt Nam; tạo cơ chế để giao lưu dân sự - thương mại diễn ra nhanh chóng, các bất động sản và các tài sản khác được lưu thông, tiết kiệm chi phí cho xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy, việc giao cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được công chứng các giao dịch, hợp đồng nêu trên còn có những vướng mắc nhất định, nhất là viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện công chứng không hoạt động chuyên trách, không có trình độ pháp luật chuyên ngành và kỹ năng hành nghề công chứng nên hoạt động công chứng có thể không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định, chất lượng văn bản công chứng sẽ không được bảo đảm, từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện; làm tăng chi phí xã hội. Do vậy, cần cân nhắc quy định này phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nếu vẫn quyết định giao thẩm quyền cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được công chứng các giao dịch, hợp đồng thì cần có các bước đi cụ thể, trong đó cần chuẩn bị, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng hành nghề và các điều kiện cần thiết khác để đội ngũ viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao có thể công chứng được các giao dịch, hợp đồng bảo đảm tính pháp lý theo quy định pháp luật.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)