Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất
(BNCTW) - Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định đời sống của người dân. Trong quá trình phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thu hồi đất để phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội là một quá trình tất yếu, tác động rất lớn đến người bị thu hồi đất. Để bù đắp cho họ một phần thiệt thòi đó, Nhà nước ta đã ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dành cho người bị thu hồi đất, từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi ổn định đời sống và sản xuất.
Tuy nhiên, đất đai là vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm, trong khi các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên thay đổi dẫn tới tình trạng so bì, khiếu nại của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong một dự án nhưng thực hiện thu hồi đất qua nhiều năm. Mặt khác, Luật đất đai 2003 chưa có cơ chế bắt buộc để bảo đảm có quỹ đất và nguồn vốn xây dựng khu tái định cư trước khi thu hồi đất; chất lượng các khu tái định cư được xây dựng cũng chưa đáp ứng yêu cầu “có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”; chưa chú trọng tạo việc làm mới, chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi; việc lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số dự án còn thiếu kiên quyết, thiếu dân chủ, công khai, minh bạch; năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu; chưa phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng tham gia thực hiện. Một số địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm, làm cho việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, Tổ chức Phát triển quỹ đất chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về kinh phí và nhân lực để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, tạo quỹ “đất sạch” triển khai khi có dự án đầu tư.
(Ảnh minh họa) |
Trong quá trình tham vấn lấy ý kiến của người bị thu hồi đất tại một số địa phương, Tổ chức Liên minh đất đai (LANDA) cho biết: hầu hết ý kiến của người dân tại các địa phương tổ chức lấy ý kiến đều cho rằng quá trình thực hiện thu hồi đất luôn thiếu minh bạch, người dân luôn bị đặt vào thế bị động, thậm chí là ép buộc di dời và mất chỗ ở. Số tiền mà nhiều người được đền bù bồi thường, thậm chí không đủ để mua một suất ở tái định cư. Họ cũng mất cả sinh kế từ nông nghiệp mà gần như không có cơ hội tìm sinh kế mới. Khảo sát ý kiến về cơ chế đồng thuận của người dân đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho thấy có tới 95% ý kiến cho rằng cần đạt được sự đồng thuận của người dân, trong đó 64% cho rằng cần lấy ý kiến của toàn bộ cộng đồng dân cư địa phương (không chỉ lấy ý kiến của người bị thu hồi đất) và phương án chỉ được phê duyệt khi đạt được 70% ý kiến đồng thuận. 93% ý kiến cho rằng người mất đất có quyền giới thiệu các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập tham gia vào danh sách đấu thầu cung cấp dịch vụ giá đất.
Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho Ban soạn thảo dự án Luật đất đai (sửa đổi) trong bối cảnh hiện nay. Làm thế nào để thiết kế được những quy định phù hợp, bảo đảm quyền lợi và sự bình đẳng cho người có đất bị thu hồi; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi, nhà đầu tư thực hiện các dự án; hạn chế khiếu nại, tố cáo trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một bài toán khó.
Đến nay, trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) mới nhất (ngày 02-10-2013), Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý và đã đưa ra những quy định để cố gắng giải quyết những vướng mắc, bất cập, đáp ứng được các mục tiêu nêu trên. Theo đó, dự thảo Luật đã dành 13 Điều (từ Điều 74 đến Điều 87) để quy định về nhiều vấn đề, như: quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội; bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội; bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo… Đặc biệt, dự thảo Luật đã dành một Điều quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt: Đối với dự án đầu tư do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định mà phải di chuyển cả một cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đối với các dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài mà Chính phủ có cam kết về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện theo khung chính sách đó…
Những quy định nêu trên cho thấy, dự thảo Luật đã đặc biệt quan tâm tới sinh kế của người có đất thu hồi thông qua cơ chế bồi thường bằng đất, bằng nhà, bằng tiền; quy định hỗ trợ ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư; nâng mức bồi thường đất nông nghiệp, chú trọng đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân… Tuy nhiên, một số quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự thảo này cho thấy vẫn chưa giải quyết được triệt để những vướng mắc, bất cập, đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do vậy, để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, xin đề xuất một số nội dung sau đây:
Một là, Luật đất đai (sửa đổi) cần xem xét bồi thường về đất không chỉ với tư cách là tài sản mà còn là tài nguyên và tư liệu sản xuất.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vẫn giữ nguyên tắc khi Nhà nước lấy đất thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Cách tiếp cận này xuất phát từ quan niệm đơn giản coi đất đai là tài sản có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương.
Trên thực tế, ngoài ý nghĩa là tài sản, đất đai còn là tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất và nguồn sống của con người. Vì đất là tư liệu sản xuất của người bị thu hồi đất nên nhà đầu tư ngoài việc bồi thường giá trị như một tài sản còn phải bồi thường về thu nhập, sinh kế cho người mất đất. Nếu chỉ là khoản hỗ trợ trong một thời gian nhất định thì coi như đã phó mặc việc tìm sinh kế mới cho người mất đất. Do đó, thay vì phó mặc gánh nặng hỗ trợ đào tạo nghề đối với người mất đất cho Nhà nước, nhà đầu tư cần phải được yêu cầu cùng bàn bạc với người mất đất về cơ hội tìm sinh kế mới cho họ; đồng thời, nhà đầu tư phải chi trả cho người mất đất một khoản tiền tương ứng với mức thu từ sử dụng đất trước đây cho tới khi người bị mất đất có nguồn thu nhập mới và theo nguyên tắc, càng để lâu, chi phí bồi thường càng lớn để bắt buộc nhà đầu tư không thể trì hoãn. Theo nguyên tắc này, nhà đầu tư cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng đất đai trong bài toán đầu tư để chi phí ít nhất, chính quyền địa phương cũng khó đánh đổi mọi giá cho sự phát triển, như vậy chắc chắn sẽ giảm được tham nhũng từ đất đai và bảo vệ được nguồn lực đất đai.
Hai là, cần đa dạng hóa hình thức bồi thường trên cơ sở nâng cao đồng thuận xã hội.
Hình thức bồi thường theo pháp luật hiện hành thiếu sự đồng thuận của người dân đang dẫn đến khiếu kiện về đất đai ngày càng nhiều. Trên thế giới, hầu hết các nước có nhiều phương thức bồi thường linh hoạt để đạt được sự đồng thuận xã hội cao. Hai cơ chế điển hình là “chia sẻ lợi ích” và “góp đất, điều chỉnh lại đất đai” thường được áp dụng. Theo đó, để tạo nguồn vốn phát triển cho địa phương, tạo quan hệ đối tác dài hạn giữa nhà đầu tư và cộng đồng dân cư địa phương, các nước thường áp dụng cơ chế “chia sẻ lợi ích”. Hình thức chia sẻ gồm: giảm giá cung cấp điện, nước cho dân cư địa phương; chuyển một phần nguồn thu ngân sách nhà nước cho chính quyền địa phương và chia sẻ nguồn thu cho những người bị ảnh hưởng; chính quyền địa phương được bình đẳng với chủ đầu tư tham gia vào các quyết định vận hành dự án; tạo điều kiện cho địa phương để phát triển hạ tầng, đào tạo nghề, tạo việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp; địa phương được thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ dự án; khôi phục và phát triển đời sống của cư dân địa phương; đóng góp cho phát triển hạ tầng cho cộng đồng địa phương… Do vậy, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần tiếp nhận cơ chế “chia sẻ lợi ích” để áp dụng vào phương thức bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi triển khai các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên như thủy điện, khai khoáng… và giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện.
Về cơ chế “góp đất và điều chỉnh lại đất đai”, đây là một phương thức quản lý và giải quyết tài chính trong phát triển đô thị, đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và hiện nay đang được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Nội dung của phương thức này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện dự án góp đất và điều chỉnh lại đất đai tại một địa điểm nhất định khi chuyển đất đang sử dụng sang phát triển khu đô thị mới, chỉnh trang khu đô thị cũ với một quy hoạch hạ tầng, khu dân cư, khu công cộng, các cơ sở sản xuất kinh doanh… theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Khi quy hoạch, cần căn cứ vào số lượng người đang sử dụng đất để bố trí trả lại cho họ diện tích đất đô thị tương ứng sao cho giá trị đất đô thị nhận được phải cao hơn giá trị đất họ sử dụng trước đó và diện tích đất còn lại được đưa ra đấu giá để có kinh phí thực hiện toàn bộ dự án. Quy hoạch này được cộng đồng những người đang sử dụng đất thảo luận và đồng thuận trong triển khai dự án. Theo phương thức này, người mất đất luôn tham gia vào dự án phát triển, không bị đứng ngoài cuộc như hiện nay, cùng người dân địa phương trở thành động lực chính cho sự phát triển đô thị. Do vậy, dự thảo Luật cần tiếp nhận “cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai” để áp dụng vào phương thức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án xây dựng khu đô thị mới và chỉnh trang khu đô thị cũ và giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện…
Ba là, nâng cao sự đồng thuận của người dân đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Để phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan có thẩm quyền đưa ra phù hợp, nhận được sự đồng thuận của người dân; bảo đảm việc hỗ trợ được khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định, cần bổ sung nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Điều 74 của dự thảo Luật như sau: “Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt khi đạt được ít nhất 70% ý kiến đồng ý của những người tham gia ý kiến từ cộng đồng dân cư địa phương”.
Nguyễn Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)