Xây dựng và bảo vệ chính quyền sau cách mạng tháng tám

Thứ Sáu, 20/09/2013, 11:03 [GMT+7]

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Cuối tháng Tám năm 1945, lấy danh nghĩa quân Đồng minh, gần 20 vạn quân Tưởng, theo gót là lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng và  Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội ồ ạt kéo vào miền Bắc nước ta. Chúng ráo riết thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động. Đằng sau quân Tưởng là Mỹ với dã tâm đặt Đông Dương dưới chế độ “ủy trị” của họ. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa quân Đồng minh, quân Anh vào giải giáp quân Nhật, núp sau quân Anh là quân Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Chưa bao giờ trên đất nước ta cùng một lúc có nhiều kẻ thù hung bạo và xảo quyệt như lúc này. Vận mệnh nước Việt Nam mới “như ngàn cân treo sợi tóc”.

    Ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 03-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách: Phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói; Mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân; Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư, tật xấu do chế độ thực dân để lại; Bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Tiếp đó, từ ngày 10 đến ngày 11-9-1945, Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của Đảng đề ra các nhiệm vụ về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, trong đó “nhiệm vụ chính, trọng tâm trong lúc này là củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, quân sự để giữ vững nền độc lập”(1).

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. (Ảnh minh họa)
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. (Ảnh minh họa)

    Trước tình hình hoạt động ráo riết của các loại kẻ thù, Đảng và Nhà nước Việt Nam mới thực hiện sách lược vừa nguyên tắc, vừa mềm dẻo. Đối với các tổ chức, đảng phái phản động, Nhà nước ban hành một loạt sắc lệnh: giải tán Đại Việt Quốc gia xã hội Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng, giải tán “Việt Nam Hưng quốc thanh niên” và “Việt Nam Ái quốc thanh niên”, thiết lập các tòa án quân sự, giải thể các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương. Đối với Pháp và Tưởng, lúc tạm hòa với Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp, lúc tạm hòa với Pháp để đẩy nhanh Tưởng ra khỏi đất nước. Thực hiện sách lược trên đã đặt các đảng phái, tổ chức phản động ra ngoài vòng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc trấn áp bọn phản cách mạng, tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

    Để tăng cường thực lực cách mạng, Nhà nước Việt Nam mới rất quan tâm đến việc phát triển các tổ chức trong Mặt trận Việt Minh, tổ chức thêm các đoàn thể cứu quốc, gồm các lực lượng yêu nước và tiến bộ. Tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập, thu hút các đảng phái và cá nhân yêu nước. Để chính quyền cách mạng tiêu biểu cho khối đoàn kết toàn dân, Nhà nước mở rộng thành phần Chính phủ, đưa các nhân sĩ, trí thức vào tham gia. Đồng thời, ban hành các sắc lệnh tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp; quy định cách tổ chức chính quyền dân chủ nhân dân; quy định nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND và Ủy ban hành chính các cấp, v.v… Trong điều kiện mới ra đời, chưa có đủ thời gian xây dựng và ban hành văn bản luật, để điều hành đất nước và để bảo đảm cho hệ thống chính quyền nhà nước hoạt động có hiệu quả, Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh với những quy định cụ thể.

    Tính từ 02-9-1945 đến 31-12-1946, riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và ban hành 181 sắc lệnh nhằm tổ chức, xây dựng, kiện toàn chính quyền nhà nước về mọi mặt. Một vấn đề không kém phần quan trọng là sau khi chính quyền cách mạng ở các cấp trong cả nước được thành lập, đa số cán bộ, đảng viên tuân thủ đúng chương trình, kế hoạch và sắc lệnh của Nhà nước. Song, có nhiều nơi, nhiều người phạm “những lầm lỗi rất nặng nề” như: trái phép, vô kỷ luật, cậy thế, tham ô, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, v.v… Để chấn chỉnh những lỗi lầm trên, đồng thời đề cao ý thức phục vụ nhân dân, nâng cao sức chiến đấu, xây dựng chính quyền nhà nước các cấp trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, Hồ Chí Minh với tư cách người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới đã có thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, huấn thị: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2). Người cũng không ngần ngại tỏ thái độ: “Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(3).

    Để thiết thực xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước, Chính phủ ban hành Sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu Quốc dân Đại hội và ấn định Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, bọn đế quốc, phản động ra sức quấy phá, Chính phủ kiên quyết lãnh đạo, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới. Nhân dân cả nước nô nức đi bầu cử. Những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều đạt được sự tín nhiệm tuyệt đối. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nhất trí tuyên bố “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc” và trao cho Người quyền thành lập Chính phủ mới. Chính phủ mới - Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được Quốc hội thông qua, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dựa trên những nguyên tắc: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. Bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”(4). Hiến Pháp quy định: Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc; ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có HĐND do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. HĐND tỉnh, thành phố, thị xã và xã cử ra Ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện chỉ có Ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính bộ do Hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Ủy ban hành chính huyện do Hội đồng các xã bầu ra. Hiến pháp cũng quy định hệ thống tổ chức và quyền hạn của cơ quan tư pháp và những điều quy định về sửa đổi Hiến pháp. Từ đây, quyền làm chủ nước nhà, quyền và nghĩa vụ của công dân, hệ thống chính quyền nhà nước các cấp được thể chế trong Hiến pháp.

    Cùng với việc xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước các cấp là việc củng cố thực lực cách mạng. Đảng và Nhà nước tổ chức cứu đói và đề phòng nạn đói. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói. Người kêu gọi nhân dân và gương mẫu thực hiện “nhường cơm sẻ áo” bằng cách “cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa”, đem gạo đó để cứu dân nghèo. Nhà nước tổ chức các đội lạc quyên cứu đói và quy định tiết kiệm lương thực, cấm nấu rượu lậu bằng gạo, ngô, đẩy mạnh trồng hoa màu ngắn ngày, v.v... Kết quả là nạn đói được đẩy lùi. Nhà nước còn tiến hành tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho nông dân nghèo, chia lại ruộng đất công một cách công bằng, hợp lý và ra Thông tư giảm tô 25% cho nông dân; mở lại các nhà máy do Nhật bỏ lại, tiến hành khai thác mỏ, khuyến khích kinh doanh... Nhà nước xây dựng “Quỹ độc lập”, tổ chức “Tuần lễ vàng”, kết quả đồng bào cả nước đã góp được 370 kg vàng, 60 triệu đồng. Nhà nước phát hành tiền giấy bạc Việt Nam, từng bước xây dựng nền tài chính độc lập. Đồng thời, Nhà nước còn vận động toàn dân xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, xóa bỏ văn hóa nô dịch của chế độ thực dân, phong kiến; phát triển phong trào bình dân học vụ, xóa nạn  mù chữ. Chỉ trong một năm, ở Trung Bộ và Bắc Bộ đã có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Hệ thống giáo dục bước đầu được xây dựng. Tiếng Việt được chính thức dùng trong hệ thống trường học. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh cũng được quan tâm, v.v…

    Như vậy, trong điều kiện vô cùng khó khăn và trong thời gian rất ngắn, Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương sáng suốt, vừa vững vàng về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, đã tăng cường được thực lực cách mạng, xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở trong những năm 1945-1946, chuẩn bị điều kiện và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít”(5).

    Hiện nay, cách mạng nước ta đã bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”(6). Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
    - Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường: Xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật  cùng thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước quản lý điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường. Tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát thị trường tài chính, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường.
    - Hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh mẽ về cải cách hành chính: Đẩy mạnh cải cách lập pháp, hành pháp và tư pháp, đổi mới tư duy và quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao. Cải cách thủ tục hành chính cùng với quá trình xây dựng thể chế Nhà nước.
    - Đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí: Hoàn thiện thể chế, pháp luật. Tăng cường giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan chức năng nhà nước, khuyến khích phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân và của các cơ quan thông tin đại chúng trong đấu tranh PCTN, lãng phí.
    - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước: Phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Hoàn thiện nội dung và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Gắn quyền hạn với trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Coi trọng mở rộng dân chủ trực tiếp trong xây dựng chính quyền nhà nước. Khắc phục tình trạng Đảng buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện làm thay chức năng, nhiệm vụ quản lý của Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện và giám sát công việc của Nhà nước. Quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trước nhân dân.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, t.8, tr.5,6.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2009, t.4, tr.56,58.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2009, t.4, tr.56,58.
(4) Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Nxb Chính trị quốc gia, H, 2005, tr.12.
(5) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H, 1976, tr.33.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.103.

PGS,TS. Lê Văn Yên
(
Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật)

;
.