Cần thực hiện nghiêm việc công khai số tiền, hàng sau các đợt vận động quyên góp, ủng hộ

Thứ Ba, 17/09/2013, 15:06 [GMT+7]

Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, được các văn kiện của Đảng, Nhà nước ghi nhận - Đó là công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và phong trào xã hội, từ thiện, phong trào quyên góp ủng hộ người nghèo rộng khắp và được nhân dân tích cực tham gia và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất to lớn. Các phong trào quyên góp, ủng hộ đã huy động được số tiền, hàng, cũng như sức đóng góp của người dân rất lớn đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nhiều vùng nông thôn, miền núi khó khăn, cứu giúp kịp thời hàng vạn gia đình, hàng triệu người nghèo, người khuyết tật... như chương trình, phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ như “Trái tim cho em”, “Vì người nghèo”, “Vì nạn nhân chất độc gia cam”, như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Lá lành đùm lá rách”, “Xây nhà đại đoàn kết”...

Tuy nhiên, công tác vận động, quyên góp ủng hộ có nhiều vấn đề bất cập tiêu cực cần phải chấn chỉnh như bớt xén, tham ô tiền cứu trợ ở nhiều tỉnh, thành, có vụ việc tiền quyên góp ủng hộ bị ăn chặn hàng tỷ đồng... Dưới gốc độ bài viết này, xin đề cập đến việc công khai tiền, hàng cứu trợ, ủng hộ quyên góp thời gian qua.

Tại Điều 4, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định: “Đối với các tổ chức, đơn vị trực tiếp vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ phải công khai số tiền, hàng; số tiền nhận được; số tiền, hàng đã phân phối, chuyển cho các địa phương... Kết thúc cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lập báo cáo kết quả cuộc vận động (tổng hợp số tiền, hàng đóng góp tự nguyện, số tiền đã phân phối cho các địa phương bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng) gửi Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BCĐ phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ Tài chính và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Pháp luật đã quy định rõ ràng như vậy nhưng một số địa phương, tổ chức, đơn vị trực tiếp vận động, tiếp nhận tiền, hàng thực hiện chưa tốt việc công khai số tiền, hàng nhận được cũng như số tiền, hàng đã phân phối, chuyển cho các địa phương.

Đặc biệt, vẫn còn nhiều địa phương, tổ chức kêu gọi vận động quyên góp chưa thực hiện nghiêm hoặc chưa đầy đủ việc công khai tiền, hàng cứu trợ, quyên góp đã nhận được dẫn đến nhiều trường hợp gây nghi ngờ, băn khoăn trong dư luận quần chúng nhân dân. Mặt khác, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc tiếp nhận, chi tiêu tiền, hàng cứu trợ vận động quyên góp được.

Thiết nghĩ, để phát huy và tiếp tục duy trì kết quả đạt được trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức vận động, quyên góp cần thực hiện nghiêm việc công khai minh bạch số tiền, hàng cứu trợ, quyên góp của các cá nhân, tổ chức, theo đó cần công khai số tiền, hàng nhận được; số tiền, hàng đã sử dụng, phân phối sau mỗi đợt quyên góp trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương. Việc làm này, vừa tạo lòng tin đối với các nhà hảo tâm khi họ biết số tiền của mình được sử dụng hữu ích để tiếp tục ủng hộ và vận động thêm nhiều người tham gia ủng hộ , đồng thời tạo ra cơ chế giám sát chặt chẽ của nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng đối với số tiền, hàng cứu trợ, quyên góp nhằm góp phần quan trọng hạn chế, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động này./.

                                                        Phạm Văn Chung
(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

;
.