Chính sách đối với người có công thực trạng và một số kiến nghị

Thứ Năm, 05/09/2013, 15:50 [GMT+7]

Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PL-UBTVQH, người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng; Thân nhân của người có công với cách mạng(1).

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhằm tôn vinh và tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Hồ Chủ tịch đã nói: “Thương binh, bệnh binh, gia đình bộ đội, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc. Bởi vậy bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ”. Vì vậy, chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn và trở thành một nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều 67 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi với người có công với nước, vận động toàn xã hội tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nâng cao mức sống về mặt vật chất tinh thần của người có công”(2). Đây là yếu tố nhằm thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới phát triển.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh cùng các đại biểu người có công tỉnh Hà Nam
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh cùng các đại biểu
người có công tỉnh Hà Nam

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng. Chính sách này gắn liền với việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến đời sống hàng ngày của hàng triệu người có công.
Ngoài ra, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công với nước(3). Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt trong việc chăm sóc người có công với Nước. Hiện cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công được hưởng trợ cấp một lần và hàng tháng. Mỗi năm, Nhà nước đã dành gần 26.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng.

Năm 2013, ngân sách Nhà nước sẽ dành trên 30 ngàn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng (tăng hơn 4 ngàn tỷ so với năm 2012). Bên cạnh những kết quả tích cực trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, tình trạng khai man, gian lận hồ sơ người có công để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, gây bức xúc trong xã hội. Theo báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2006-2012, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra ở 37 tỉnh, thành phố với 4.623 hồ sơ được thanh tra, qua đó đã phát hiện 590 hồ sơ có sai phạm, trong đó có 372 hồ sơ phải cắt và thu hồi trợ cấp về ngân sách Nhà nước. Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố cũng đã tiến hành 1.491 cuộc thanh tra về chính sách ưu đãi người có công, phát hiện 1.295 đối tượng hưởng sai chính sách với tổng số tiền thu hồi cho ngân sách là trên 5 tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị xử lý kỷ luật 134 cán bộ có sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lập và xác nhận hồ sơ. Một số vụ việc liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa, đó là: Vụ hồ sơ thương binh giả tại 6 tỉnh thuộc Quân khu I với số lượng lên tới hàng nghìn hồ sơ. Đây là số hồ sơ do các cơ quan chính sách của Quân khu I (Bộ Quốc phòng) xác lập và ra quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi từ ngày 30-9-2006 trở về trước nhưng thực chất được làm từ năm 2007-2009. Trong đó, một số lượng lớn đối tượng giả mạo hồ sơ, không qua giám định thương tật nhưng vẫn được công nhận là thương binh.
Lợi dụng chủ trương giải quyết chế độ đối với quân nhân là người dân tộc thiểu số, 20 cán bộ chủ chốt của xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, đã làm giả nhiều loại hồ sơ, thủ tục để chiếm đoạt tiền Nhà nước. Theo kết luận thanh tra của Thanh tra huyện Sơn Hà, trong số 215 trường hợp đã được UBND xã đề nghị giải quyết chế độ, chỉ có 37 người đúng đối tượng, còn lại 178 trường hợp không đúng quy định. Cụ thể: 68 trường hợp đã có quyết định công nhận bệnh binh với tỷ lệ 61% trở lên, đã hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền hơn 2,42 tỷ đồng; trong đó, có 48 trường hợp không đúng đối tượng được giải quyết, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (tính đến cuối tháng 5-2012) là 1,7 tỷ đồng.

Tại Hà Giang, vụ án Ngô Văn Lai cùng đồng phạm làm giả hồ sơ thương binh chiếm dụng tiền trợ cấp của Nhà nước gây xôn xao, ảnh hưởng xấu đến quần chúng nhân dân ở tỉnh vùng cao biên giới, được Công an tỉnh Hà Giang điều tra, phát hiện và khởi tố. Với thủ đoạn “biến người lành thành... thương binh”, Ngô Văn Lai hướng dẫn các đối tượng tự kê khai thương tật (là các vết sẹo, vết thương, vết gãy xương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc do vết mổ bệnh lý...), giả mạo chữ ký (xác nhận cho nhau), sau đó xin xác nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vụ Huỳnh Ngọc Minh, nguyên cán bộ Thương binh - Xã hội phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng tiền trợ cấp người có công với cách mạng. Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ phiên xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Minh tù chung thân về tội Tham ô tài sản.
Vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã phối hợp điều tra, triệt phá một đường dây chuyên làm hồ sơ giả để hưởng chế độ thương binh, bệnh binh; khởi tố 14 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng bị khởi tố về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, 10 đối tượng bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; truy thu hàng trăm triệu đồng cho Nhà nước.

Từ những vụ việc cụ thể nêu trên cho thấy: Công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chính sách đối với người có công còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện “Pháp lệnh ưu đãi người có công” chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Quy định hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, trách nhiệm xác nhận người có công chưa đồng bộ, thiếu hợp lý; có nội dung quá “khắt khe”, gây khó khăn cho đối tượng; có nội dung quá “thông thoáng”, tạo kẽ hở cho phần tử xấu lợi dụng, dẫn đến tiêu cực.
Để thực hiện tốt chính sách đối với người có công, thiết nghĩ trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc đối với người có công, tiếp tục ban hành các văn bản, quyết định, chỉ thị phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong quá trình thực thi chính sách đối với người có công.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách để khắc phục các hạn chế, ngăn ngừa đối tượng lợi dụng chính sách để gian lận chiếm hưởng chế độ. Nhiều vấn đề cần được bổ sung như: hướng dẫn việc xác nhận thương binh, liệt sỹ trong điều kiện hoàn cảnh mới, thực hiện ưu đãi người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và từ năm 1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19-8-1945. Một số chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng, chế độ trợ cấp… cũng cần được sửa đổi, bổ sung để việc ưu đãi xã hội được đồng bộ, đầy đủ và có tính khoa học, hợp lý, tránh tạo kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực.

Ba là, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách bảo đảm đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn; đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công.

Bốn là, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần thường xuyên phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công, đồng thời kiến nghị xử lý kỷ luật những cán bộ có sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lập và xác nhận hồ sơ.

Năm là, các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường phát hiện, kiên quyết đưa ra khởi tố và xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án vi phạm chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công, bảo đảm tính răn đe để phòng ngừa tiêu cực xảy ra.

(1) Điều 2 Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PL-UBTVQH ngày 29-6-2005.
(2) Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Nxb CTQG, Điều 67, Chương V, tr.19.
(3) Thông tư liên tịch số 47/2009/TTLT-BTCBLĐTBXH ngày 11-3-2009.

Bùi Thu Huyền
(Chuyên viên Ban Nội chính Trung ương)

;
.