Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Kinh nghiệm trong thực hiện công tác phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Thứ Tư, 30/03/2016, 15:38 [GMT+7]
    (BNCTW) - Để thực hiện công tác phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện trong hệ thống Mặt trận; tổ chức hội nghị tập huấn, lớp bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận các cấp để quán triệt và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các địa phương; xây dựng hệ thống bài giảng cho cán bộ Mặt trận các cấp; cử cán bộ đến nhiều địa phương để tập huấn cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp. 
 
    Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh phù hợp với yêu cầu, đặc điểm địa phương mình. 
 
    Việc phổ biến, tuyên truyền về giám sát và phản biện xã hội được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú. Ở nhiều nơi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí tuyên truyền tới đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân về các nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc; tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác này. 
 
Đoàn công tác Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại huyện Đắk Mil
Đoàn công tác Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại huyện Đắk Mil
    Đối với việc tham gia xây dựng pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức góp ý các dự án luật, nghị định có liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như: Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật bầu cử Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật trưng cầu ý dân, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tín ngưỡng, tôn giáo…; góp ý Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về  chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2002-2014…
 
    Đặc biệt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương triển khai tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ. Công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 đã có tác động tích cực trong phát huy dân chủ và nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Các tổ chức thành viên như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng của Đảng và Nhà nước.
 
    Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương cũng phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan và các tổ chức thành viên tổ chức nhiều hội nghị đóng góp ý kiến đối với các đề án, chương trình, dự thảo văn bản pháp luật theo đề nghị của các cơ quan soạn thảo ở Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của nhân dân như: Quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; Đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tổ chức nhiều hoạt động góp ý, phản biện trực tiếp, khá hiệu quả vào các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân địa phương. Những ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận Tổ quốc đã tác động quan trọng đến quá trình tiếp thu điều chỉnh các nội dung đề án và chính sách của địa phương.
 
    Nhìn chung, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã được các cơ quan soạn thảo văn bản tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều địa phương đã phát huy được vai trò và huy động trí tuệ của các Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các trí thức, nhà khoa học trong việc tham gia giám sát, góp ý, phản biện các dự thảo, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
    Công tác phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc các cấp dần đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định; bước đầu đã thể hiện sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, đáp ứng niềm tin của nhân dân.
 
    Qua thực tiễn, để thực hiện có hiệu quả công tác phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tập trung vào một số nội dung:
 
    Căn cứ tình hình thực tiễn của từng địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần lựa chọn nội dung, vấn đề phản biện xã hội, vấn đề cần góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp, những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện. Cần xác định rõ nội dung phản biện để lựa chọn các phương pháp phản biện cho phù hợp như: tổ chức hội nghị phản biện, tổ chức lấy ý kiến phản biện hoặc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện.
 
    Trong quá trình tổ chức các hoạt động góp ý và phản biện xã hội cán phát huy vai trò, huy động trí tuệ của các Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, các trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia, những người từng tham gia lãnh đạo, quản lý liên quan đến nội dung cần phản biện.
 
    Sau khi kết thúc hoạt động góp ý kiến và phản biện xã hội cần sớm có văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức hữu quan, đồng thời tiếp tục theo dõi kết quả tiếp thu và giải trình các nội dung không tiếp thu của cơ quan, tổ chức có dự thảo phản biện.
 
    Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, các vấn đề mà các tầng lớp nhân dân quan tâm, phản ánh thông qua Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở từng cấp.
 
    Quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về trình độ chuyên môn, kỹ năng giám sát, phản biện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp ý kiến cũng như nhiệm vụ phản biện xã hội trong tình hình mới.
Cù Tất Dũng
;
.