10 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới năm 2015

Thứ Ba, 22/03/2016, 10:35 [GMT+7]
    Năm 2015, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đối với 168 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới, Đan Mạch đứng đầu, tiếp sau đó là Phần Lan, Thụy Điển, Niu-Dilân…
 
    Dưới đây là danh sách các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới, dựa trên kết quả đánh giá với thang điểm 100, trên cơ sở 13 nguồn dữ liệu khảo sát của các tổ chức độc lập và có uy tín trên thế giới.
 
    1. Đan Mạch
    Đan Mạch xếp hạng nhất với 91 điểm. Hệ thống chính quyền ở Đan Mạch từ Trung ương đến địa phương dành được sự tin tưởng vô cùng lớn từ công chúng, với nền pháp luật nghiêm minh, hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động an sinh xã hội cùng với hệ thống tài chính minh bạch, chặt chẽ. Đây là quốc gia ít tham nhũng nhất tại Châu Âu cũng như trên toàn thế giới.
 
    2. Phần Lan
    Quốc gia Bắc Âu này xếp ngay vị trí thứ hai sau Đan Mạch, với 90 điểm. Bộ máy hành chính mở, công khai và minh bạch hóa thông tin, giám sát các quyết định của chính quyền từ lâu đã trở thành các vấn đề lớn nhất mà họ phải giải quyết để chống lại nạn tham nhũng. Người dân nước này có thể hoàn toàn tin tưởng rằng họ đang sống tại một quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới.
 
    3. Thụy Điển
Thụy Điển đứng thứ 3 với điểm số 89 trên bảng xếp hạng. Quốc gia này có luật về quyền được tiếp cận thông tin đã giúp hiện thực hóa sự minh bạch trong xã hội. Việc báo chí và mọi người dân được phép tiếp cận các văn kiện của công sở nhà nước và theo dõi bảng liệt kê các khoản chi của các quan chức giúp Chính phủ đảm bảo tính minh bạch rất lớn trong hệ thống điều hành, lãnh đạo.
 
    4. Niu-Dilân
    Trong nhiều năm liền, Niu-Dilân, hòn đảo nằm ở phía Tây Nam Thái Bình Dương giữ được vị trí cao trong bảng xếp hạng. Thành công đó có vai trò quan trọng của các cơ quan phòng, chống tham nhũng của quốc gia này, đặc biệt là hai cơ quan chịu trách nhiệm chính trong điều tra, truy tố tham nhũng là Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng (SFO) và Cơ quan cảnh sát Niu-Dilân.
 
    5. Hà Lan
    Với 87 điểm, Hà Lan xếp hạng thứ 5 trong tổng số 168 quốc gia. Đất nước này nổi tiếng với hệ thống tư pháp độc lập, các biện pháp cảnh báo tham nhũng khá hoàn chỉnh và hệ thống an ninh quốc gia chuyên trách có quyền hạn rất lớn trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng và chống tham nhũng. Các công ty Hà Lan đứng đầu bảng trong xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế về ít đưa hối lộ nhất.
 
    6. Na Uy
    Cùng được 87 điểm, Na Uy xứng đáng là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất. Họ nổi tiếng với quản trị nhà nước hiệu quả, tự do báo chí, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước. Na Uy tự hào về khuôn khổ pháp lý, hệ thống các chuẩn mức đạo đức và giá trị xã hội. Đây là kim chỉ nam của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
 
    7. Thụy Sĩ
    Đứng ngay sau Na Uy là Thụy Sĩ, với 86 điểm. Trong nhiều năm liền, Thụy Sĩ luôn giữ được thứ vị cao trong bảng xếp hạng với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc chống tham nhũng. Quốc gia này tập trung đặc biệt vào việc chống các hành vi đút lót, hối lộ để ngăn chặn mọi người lạm dụng nhằm đạt được lợi ích mong muốn. Tại đây, đút lót là hành vi trái phép, là tội hết sức nghiêm trọng, kể cả với người nước ngoài.
 
    8. Singapore
    Singapore là một trong những quốc gia nổi tiếng về sự minh bạch của Chính phủ, có hệ thống tư pháp hoàn thiện nhất Châu Á, với việc áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc những hành vi hối lộ, tham nhũng, đồng thời ngăn ngừa và răn đe những kẻ có ý định tham nhũng. Chiến lược của quốc gia này là trả lương cao cho các quan chức để họ hài lòng với công việc và tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng.
 
    9. Canada
    Quốc gia Bắc Mỹ này đứng ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng với 83 điểm. Từ trước tới nay, người Canada luôn hài lòng về Chính phủ của họ, với sự công khai, minh bạch được thực hiện khá triệt để và sự cứng rắn trong việc khống chế tham nhũng.
 
    10. Đức
    Quốc gia Trung Âu này nằm cuối cùng trong top 10 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới với 81 điểm. Tại Đức, các tài liệu của các cơ quan công quyền được đăng tải công khai trên báo chí và Internet, kể cả mức lương của Thủ tướng và các Bộ trưởng. Công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của họ khi thực hiện chức trách công vụ và phải kê khai, công khai mọi tài sản, thu nhập.
Phạm Thái Hà 
(Ủy ban Kiểm tra Trung ương)
;
.