Những câu nói ấn tượng về công tác phòng, chống tham nhũng
Trong mấy năm gần đây, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên đã có những phát ngôn, ví von, so sánh gây ấn tượng về công tác PCTN. Tất nhiên, những nhận xét, so sánh, ví von này chỉ mang tính cá nhân và tương đối, do quá bức xúc về tình hình PCTN ở nước ta. Dưới đây, xin tập hợp một số câu nói nhận xét gây ấn tượng để bạn đọc tham khảo (sự kiện được sắp xếp theo thời gian).
Ngày 12-01-2008, tại Hội nghị giao ban về công tác PCTN các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh bức xúc: “Thực tế hầu hết các vụ tham nhũng đều do cơ quan báo chí, người dân phát hiện... và khi điều tra vào cuộc là khởi tố ngay vì đã quá nghiêm trọng rồi. Vậy thì vai trò của cơ sở đảng ở đâu?”. Cũng tại Hội nghị nói trên, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mộtcách thật sự quyết liệt, khi phát hiện tham nhũng phải xử lý kiên quyết. Chúng ta khôngai muốn xử lý, khởi tố đồng chí cán bộ nào cả, nhưng đã tham nhũng rồi thì dứt khoát phải xử lý kiên quyết, không bao che”.
Ngày 24-01-2008, được tin bà Lê Hiền Đức (tên thật là Phạm Thị Dung) 77 tuổi ở Hà Nội, là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Liêm chính của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), nhiều phóng viên đã phỏng vấn bà. Bà phát biểu rằng: “Bà nhận được lời khuyên của một cán bộ thanh tra Hà Nội ý là đừng chống tiêu cực nữa. Anh ấy không động viên tôi thì thôi, lại còn dịu giọng bảo: Cụ ơi! Cụ nên để thời gian ở nhà vui với con cháu. Dính vào việc này làm gì? Bà Đức trả lời rằng, ở tuổi “gần đất xa trời”, càng chống tiêu cực hăng, càng thấy khỏe ra. Sức lực, tuổi tác và tâm huyết của mỗi người đều có hạn, mà cuộc chiến chống tham nhũng lại đầy cam go, quyết liệt và cần sự đóng góp của tất cả mọi người. Do vậy, tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.
Trong hai ngày, 25 và 26-8-2008, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban thư ký APEC tổ chức Hội thảo quốc tế về PCTN. Tại Hội thảo này, ông Mai Quốc Bình, Phó tổng Thanh tra Chính phủ băn khoăn, “mặc dù chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như Quốc hội đã có Luật PCTN và thực hiện rất quyết tâm, nhưng càng làm thì càng thấy phức tạp và danh sách các vụ tham nhũng càng dài”.
Ngày 19-7-2008, tại Hà Nội, trong Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phát biểu: “Đảng, Nhà nước ta không hề chùng tay” mà đã kiên quyết xử lý tham nhũng, tạo được sự đồng thuận của nhân dân cũng như bạn bè quốc tế”.
Ngày 16-04-2010, trên Báo Vietnam.net tác giả Trực Ngôn có bài viết “Đầy tớ” đấm nhân dân và công nghệ “phát chẩn” thời hiện đại” đã thuật lại cuộc trao đổi giữa tác giả với một cán bộ lãnh đạo cấp vụ. Cán bộ lãnh đạo cấp vụ cho rằng các vụ tham nhũng, tiêu cực thời gian qua chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Tác giả nổi giận mà rằng: “Sao đến lúc này mà những người có trách nhiệm lớn đối với đất nước như ông
(Vụ trưởng) vẫn nói cái bài “con sâu làm rầu nồi canh” hay là “trường hợp cá biệt”.Thưa ông bạn Vụ trưởng, đúng là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng bây giờ nhiều sâu quá. Đừng để đến lúc sâu nhiều hơn rau thì không cứu nổi đâu”.
Ngày 07-9-2010, tại Hội nghị biểu dương 88 cá nhân có thành tích chống tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức tại Hà Nội, đại biểu Dương Thị Mỹ Anh, Thủ quỹ Đội công trình Đô thị, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, người bền bỉ, giàu sức chịu đựng trong suốt quãng thời gian dài “tham chiến” với tham nhũng. Có những lúc cảm giác bế tắc, chị nghĩ đến giải pháp tiêu cực “tôi có ý định tự thiêu”. “Ý định tự thiêu của tôi không phải là sự đầu hàng mà muốn chứng minh sự tố cáo của mình là đúng”. Cũng trong Hội nghị nói trên, ông Phạm Chí Công, Chánh văn phòng HĐND quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, người từng kiên trì tham gia nhiều vụ đấu tranh chống tham nhũng cho biết: “Trong lúc bình thường, các đồng chí lãnh đạo quận, thành phố đứng trên bục nói về PCTN mà không liên quan đến đơn vị, cá nhân nào, không phải xử lý ai, thì rất dễ nói. Nhưng khi có người lên tiếng kiến nghị, tố cáo hoặc đòi giải quyết các vụ việc tham nhũng..., lãnh đạo sẽ thấy khó chịu hoặc có cái nhìn thiếu thiện cảm”. Cũng tại Hội nghị ngày 07-9-2010, cụ Lê Đạo, 84 tuổi, nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Trọng đã cùng 2 cán bộ hưu trí phát hiện, đấu tranh cán bộ huyện này tham
nhũng, cố ý làm trái. Qua đó, đã thu lại lô đất 6000 m2 và 30 tỷ đồng cho công quỹ. Cụ Đạo tâm sự: “Tôi đấu tranh 10 năm, từ lúc tóc còn xanh, nay tóc đã bạc trắng nhưng chẳng xử lý được quan tham nào, dù tài sản đã được thu hồi cho nhà nước. Tôi nghiệm ra, đây là cuộc đấu tranh không cân sức. Khi bước vào cuộc đấu tranh, họ đe dọa, trả thù cả đời con cháu, đến nỗi một đại tá quân đội đi được nửa đường phải rút lui. Vì sao vậy? Vì những quan tham thường có ô dù bao che. Nếu công tác PCTN không cân sức, có nhiều lực cản, bao che, né tránh, đe dọa, mua chuộc, thì không ai dám nói. Đây là điều đáng sợ nhất”. Bà Nguyễn Thị Hòa ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội, người chống tham nhũng mang trên người nhiều vết sẹo, một biểu tượng “con kiến đã kiện được củ khoai” vẫn rất bức xúc: “Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc kiện tụng này nhằm hạ bệ người này, người kia. Tôi chỉ mong những ai đã “nhúng chàm” dám chấp nhận sửa sai”. Phát biểu tại Hội nghị này, Phó Thủ trướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng động viên các đại biểu tích cực chống tham nhũng: “Tôi mong những người tố cáo chống tham nhũng hãy vững tâm, rằng cuối cùng chân lý sẽ thắng”, rằng: “Chuyện buồn thì đổ xuống sông/chuyện vui thì giữ trong lòng dài lâu”.
Ngày 07-5-2011, trong buổi tiếp xúc cử tri tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thổ lộ: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết” cái đất nước này”.
Ngày 22-7-2013, trả lời phỏng vấn báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Văn Đương nói: “Trong công tác PCTN hiện nay, nhiều người chỉ đạo nhưng người trực tiếp làm thì thiếu. Giống như trong phim Tây Du Ký, Phật Tổ Như Lai có rồi, Đường Tăng có rồi, giờ cần phải có Tôn Ngộ Không thì mới bắt được yêu quái trong động”.
Ngày 29-10-2013, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, mở màn buổi thảo luận tại tổ (chiều 29-10) về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đại biểu Đỗ Văn Đương, đại biểu TP. Hồ Chí Minh, so sánh “Chống tham nhũng phải tập trung vào chiến dịch bắt “hổ” chứ hiện nay chỉ toàn bắt “ruồi”. Nếu không thay đổi phương thức đánh, cách đánh mà cứ dàn trải lực lượng như thế thì không ăn thua”. Trên Dân trí ngày 31-8-2013, Dân mạng kiến nghị một giải pháp PCTN ở Việt Nam rằng: “Để làm cho ra nhẽ đồng tiền đó cũng chẳng khó gì. Nếu vợ hay con của quan chức có vốn kinh doanh hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì Cơ quan điều tra hay Cơ quan PCTN chỉ mời lên hỏi hai câu: Câu thứ nhất: Nguồn gốc tiền từ đâu? Câu thứ hai: Nếu tự thân làm ra thì đóng thuế ở đâu? Xong. Con cái, cháu chắt đứng tên tài sản, biệt thự cũng hỏi như thế. Chuyện rõ như ban ngày, mới nứt mắt, tý tuổi, vừa học đại học xong thì làm gì để có hàng trăm tỷ đồng đầu tư bất động sản hay đóng cổ phần ở các tập đoàn. Tiền đó không phải của cha mẹ “tuồn” cho thì tiền trúng số hay sao?”.
Sáng 04-02-2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã họp Phiên thứ nhất do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Bản thân mỗi đồng chí và vợ, con phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được”.
Ngày 27-9-2013, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, chia sẻ sự sốt ruột với cử tri quận Ba Đình về tình hình tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết ông cũng rất khó chịu khi thấy tham nhũng
vặt lộng hành. “Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”.
Ngày 06-12-2013, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, vấn đề tham nhũng lại được các cử tri đề cập với tâm trạng rất bức xúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Các vụ án lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột”... “Hàng ngày nhìn thấy người dân đi khiếu kiện mà buồn và đau lòng. Người đi khiếu kiện cũng đâu thích thú gì, cơ quan nhà nước làm không đúng dân mới phải đi kiện”. “Bản thân tôi sáng ra khỏi nhà có bà con chờ, chiều về nhà cũng có bà con chờ, ra đường là có bà con đón”... “Còn quyền lực là còn tham nhũng”. Tổng Bí thư cam kết “sắp tới sẽ xử nhiều vụ lớn, bà con hãy chờ xem!”.
Ngày 02-12-2013, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tiếp xúc với cử tri quận Hải Châu đã khẳng định: “Ngay trung tuần tháng 12 này, các
cơ quan tố tụng sẽ đưa ra xét xử các vụ “đại án” tham nhũng gây nhức nhối xã hội: vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và vụ Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên). Hai vụ “đại án” tham nhũng này được đưa ra xét xử công khai, sẽ là “cú đấm” mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go và thách thức”.
Minh chứng cho điều nói trên, trong thời gian gần đây, cùng với vụ án tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, việc đưa một số vụ án tham nhũng lớn ra xét xử một cách công khai, nghiêm minh, đúng người đúng tội (vụ án tại Công ty cho thuê tài chính II, vụ án tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Việt Nam (Vifon) đã phần nào lấy lại được niềm tin của quần chúng nhân dân. Có thể nói, cái “được” lớn nhất, quan trọng nhất là củng cố, lấy lại niềm tin của nhân dân. Người dân đã tin tưởng ắt sẽ tích cực tham gia cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “... Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(1).
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.5, tr.495. |
Vũ Ngọc Lân
(Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân vận)