Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kết quả 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 09/05/2016, 13:21 [GMT+7]
    Qua 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những chuyển biến tích cực.
 
    Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách về quản lý kinh tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. 
 
    Bộ và các đơn vị trực thuộc triển khai thường xuyên, kịp thời công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức các quy định của Luật PCTN, các Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCTN; phổ biến, quán triệt các văn bản như: Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa X) về công tác PCTN, lãng phí; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về các nội dung liên quan đến PCTN, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
    Hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên về PCTN: xây dựng và ban hành Chương trình thực hiện Luật PCTN trong Bộ, Kế hoạch thực hiện Luật PCTN hằng năm; Quy định về kê khai, xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; Quy định về minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; các Chương trình, kế hoạch để thực hiện trong Bộ, trong đó xác định rõ nội dung, tiến độ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân.
 
    Để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của Bộ, từ năm 2005 đến nay, Bộ đã xây dựng, trình các cơ quan nhà nước và ban hành tổng cộng 223 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu, doanh nghiệp, hợp tác xã, quy hoạch và thống kê. Trong đó có: 8 Luật và Luật sửa đổi, bổ sung; 40 Nghị định và Nghị định sửa đổi, bổ sung; 63 Thông tư và Thông tư sửa đổi, bổ sung; 13 Thông tư liên tịch và Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung; 53 Quyết định và 46 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, các hạn chế, sơ hở trong quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư ngày càng được khắc phục, các quy định về quản lý và thực hiện ngày càng được công khai, minh bạch. Cơ chế quản lý đầu tư đã có nhiều đổi mới, thực hiện phân cấp, giao quyền và tạo chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý của Bộ.
 
    Chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ nhằm xoá bỏ dần các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo cho việc quản lý nhà nước chặt chẽ và hiệu quả. Công tác cải cách hành chính được Bộ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ trên cả 5 nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính; ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành việc kê khai tài sản thu nhập nhằm triển khai thực hiện tốt các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ; ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên.
 
    Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai 20 cuộc thanh tra về phân bổ vốn và sử dụng vốn đầu tư phát triển tại các tỉnh, thành phố và 7 cuộc thanh tra chuyên đề về quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển đối với chương trình đê sông, đê biển; tiến hành thanh tra 07 cuộc về các dự án đầu tư theo hình thức BOT; tiến hành thanh tra đối với hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng; 03 cuộc thanh tra chuyên đề về đấu thầu; đồng thời, lồng ghép nội dung về đấu thầu tại các công trình dự án trong các cuộc thanh tra, kiểm tra diện rộng tại 30 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Qua thanh tra, kiểm tra trực tiếp các dự án đầu tư này, Thanh tra Bộ đã kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền 1.209,7 tỷ đồng, trong đó: kiến nghị giảm trừ khi thanh toán, quyết toán: 109,3 tỷ đồng; xuất toán, thu hồi về ngân sách: 1.100 tỷ đồng (thu hồi về ngân sách địa phương: 1.078 tỷ đồng; thu hồi về ngân sách Trung ương qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ: 22,5 tỷ đồng); kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương một số giải pháp nhằm sớm đưa các công trình dang dở vào hoạt động để tránh dàn trải, lãng phí.
Như Nguyên
(VOV)
;
.