Giảng dạy phòng, chống tham nhũng tại Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội

Thứ Năm, 05/05/2016, 16:18 [GMT+7]
    Là một trong 3 trường luật lớn và uy tín nhất ở nước ta hiện nay, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) là cơ sở tiên phong trong đào tạo các chuyên ngành luật mới. Khoa là trường luật đầu tiên ở Việt Nam đưa vào chương trình giảng dạy chính thức các chuyên ngành luật biển và quản lý biển (từ 2006), luật nhân quyền (từ 2007) và luật phòng, chống tham nhũng (từ 2012).
 
    Trên cơ sở Luật phòng, chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Quyết định số 137/2009/QĐ/Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, Khoa Luật đã sớm triển khai xây dựng đề cương (từ năm 2011) và đưa vào giảng dạy môn học “Lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng” cho cấp cử nhân (2012). Khoa cũng xuất bản “Giáo trình Lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng” để sử dụng cho việc giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên cấp cử nhân vào năm 2013. Đây là giáo trình đầu tiên về vấn đề này ở các trường luật của Việt Nam. Nội dung của cuốn giáo trình gồm 12 chương, cung cấp cho sinh viên một lượng kiến thức toàn diện những vấn đề lý luận, pháp lý về phòng, chống tham nhũng như: nhận thức về tham nhũng; pháp luật và kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về phòng, chống tham nhũng; hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và xã hội trong phòng, chống tham nhũng
 
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội
    Giáo trình hiện đã được phổ biến và sử dụng trong giảng dạy, nghiên cứu về phòng, chống tham nhũng không chỉ Khoa Luật mà còn bởi nhiều giảng viên, học viên, sinh viên của một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác. 
 
    Thực tiễn giảng dạy môn học Lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Khoa Luật ĐHQG Hà Nội cho thấy, giảng viên và sinh viên đều quan tâm, hứng thú với việc giảng dạy, nghiên cứu, học tập môn học này. Số sinh viên đăng ký theo học cao, tỷ lệ vắng, bỏ học thấp, thảo luận trên lớp rất sôi nổi và chủ động, nhiều sinh viên đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học và khoá luận tốt nghiệp về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Tất cả cho thấy tiềm năng và sự phù hợp của việc giảng dạy chuyên ngành này ở cấp đại học.
 
    Dự kiến trong những năm học tới, Khoa Luật sẽ nâng cấp môn học kể trên thành môn học bắt buộc với sinh viên của tất cả các chuyên ngành, để phù hợp với yêu cầu nêu ra trong Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
    Song song với việc giảng dạy phòng, chống tham nhũng ở cấp cử nhân, từ 2011, Khoa Luật đã tiến hành xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo thí điểm bậc thạc sĩ luật về quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng nhằm đào tạo các chuyên gia về lĩnh vực này cho các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các giảng viên cho các trường đại học. 
 
    Để đáp ứng nhu cầu thực tế và thực hiện Chiến lược phát triển của Khoa Luật đến năm 2020 đã được ĐHQG Hà Nội phê chuẩn, trong đó có việc mở chương trình đào tạo bậc thạc sĩ quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng, Khoa Luật đã có kế hoạch khởi động lại Đề án kể trên trong năm 2016. 
 
    Trong những năm tới, Khoa Luật chủ trương củng cố chương trình đào tạo phòng, chống tham nhũng hiện nay ở cấp  cử nhân bằng cách: Đưa môn học Lý luận và Pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ môn tự chọn thành môn chính thức (bắt buộc), ít nhất với sinh viên chuyên ngành luật hiến pháp-hành chính. Lồng ghép vấn đề phòng, chống tham nhũng một cách phù hợp vào các môn học khác, cụ thể như các môn Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật tố tụng Hình sự, các môn học của ngành luật kinh doanh và luật quốc tế. Mở các hoạt động đào tạo ngoại khoá cho sinh viên về phòng, chống tham nhũng, cụ thể như các hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, pháp luật cho sinh viên về sự liêm chính và phòng, chống tham nhũng; lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ của sinh viên. 
 
    Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo bậc thạc sĩ về quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng nhằm đào tạo chuyên gia về lĩnh vực này cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và giảng viên, nghiên cứu viên cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước.
 
    Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đào tạo, đồng thời cung cấp ý kiến tư vấn cho các cơ quan nhà nước hữu quan. 
                                                          PGS.TS Vũ Công Giao  
                                                  (Đại học Quốc gia Hà Nội)
;
.