Tình hình, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 13/01/2014, 08:59 [GMT+7]

Năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả.

Các cấp ủy đảng và lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra việc thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; việc xây dựng và thực hiện quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức và công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Trong năm 2013, có 631 cơ quan, tổ chức, đơn vị kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, 1.170 cơ quan, tổ chức, đơn vị kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Sở Tài chính thành phố đã phối hợp với các cơ quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chế độ, định mức tiêu chuẩn để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức không còn phù hợp. Trong năm 2013, Sở đã trình Ủy ban nhân dân thành phố 28 văn bản sửa đổi, bổ sung về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Các sở - ngành, quận - huyện đã triển khai hơn 246 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Qua các cuộc kiểm tra, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phát hiện một số trường hợp thiếu sót, khuyết điểm, kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Có 51 cơ quan, đơn vị lập danh sách vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức phải chuyển đổi và đã tiến hành chuyển đổi 1.362 trường hợp. Các lĩnh vực chuyển đổi chủ yếu là: kế toán, thủ quỹ, tư pháp, thanh tra xây dựng, địa chính - nhà đất, thủ kho, quản lý thị trường, công an khu vực (trong đó, ngành công an chuyển đổi 273 chiến sĩ). Việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức năm 2012 đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc. 89/89 đơn vị đầu mối thực hiện kê khai tài sản, thu nhập với 29.368/29.375 người kê khai; số người chưa kê khai là 07 người, nguyên nhân chủ yếu chưa kê khai là do đang nghỉ thai sản, nghỉ bệnh và nghỉ không hưởng lương. Việc thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập cũng được các đơn vị thực hiện bằng các hình thức theo quy định như: niêm yết tại cơ quan, đơn vị hoặc công khai trong cuộc họp chi bộ.

Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách tại 4 Công ty TNHH Một thành viên thuộc khối dịch vụ công ích thành phố: Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn, Công ty Công viên cây xanh, Công ty Chiếu sáng công cộng do chi lương, thưởng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý vượt qui định. Xử lý về mặt Đảng và Chính quyền đối với 08 lãnh đạo chủ chốt tại 04 công ty; trong đó, có 03 người bị khai trừ đảng, 02 người bị cách hết chức vụ trong đảng, 02 người bị cách chức đảng ủy viên đảng ủy công ty. Về mặt chính quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố buộc thôi việc 02 người, cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc giám đốc 06 người còn lại; chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố do thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra sai phạm tại các doanh nghiệp trên. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra thành phố tiếp tục thanh tra toàn diện hoạt động 04 đơn vị trên; chỉ đạo các quận-huyện kiểm tra việc sử dụng lao động, quản lý quỹ lương tại các công ty công ích quận-huyện; chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, tiền lương, thu nhập của viên chức quản lý và người lao động tại 25 doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố. Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận 11 đã nghiêm khắc phê bình đối với Chủ tịch, 01 Phó chủ tịch và 01 công chức Văn phòng – Thống kê Ủy ban nhân dân phường 13 do để xảy ra trường hợp  công chức tư pháp của 01 phường  có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tham nhũng,  Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, quận 6, quận 11, quận Phú Nhuận, huyện Cần Giờ đã ra quyết định xử lý kỷ luật đối với 12 cán bộ, công chức, nhân viên từ hạ bậc lương, đến buộc thôi việc và khai trừ khỏi Đảng do hành vi lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ...Ủy ban nhân dân Quận 1 chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 01 trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn  cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng của Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1. Công an thành phố đã xử lý kỷ luật 11 cán bộ, chiến sĩ. Qua xác minh phản ánh của báo chí về hành vi tiêu cực của một số cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã quyết định kỷ luật bằng hình thức Tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 07 cán bộ, chiến sĩ; đồng thời thông báo cho Công an thành phố ra quyết định kỷ luật theo thẩm quyền 08 cán bộ, chiến sĩ. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố kỷ luật 4 cán bộ, chiến sỹ (gồm khai trừ đảng và tước danh hiệu Công an nhân dân 1, giáng cấp 1, khiển trách 2). Số cán bộ, chiến sĩ công an bị xử lý kỷ luật tăng 17 người so với cùng kỳ năm 2012.

Trong năm 2013, Công an thành phố đã thụ lý điều tra 26 vụ án với 82 bị can; trong đó, khởi tố mới 11 vụ - 32 bị can về các tội tham nhũng, giảm 02 vụ tăng 33 bị can so với cùng kỳ. Cơ quan điều tra đã kết luận, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 13 vụ án với 43 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại là 88,052 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đã thu hồi, tịch thu sung công quỹ Nhà nước là 966 triệu đồng. Tòa án nhân dân đã đưa ra xét xử 14 vụ 61 bị cáo; trong đó, Tòa án tối cao ủy quyền xét xử 02 vụ án tham nhũng lớn xảy ra tại Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon) và Công ty cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam).

Năm 2013 Đảng bộ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng gắn với việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Tội phạm “Tham ô tài sản” tiếp tục diễn ra trong nhiều lĩnh vực với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thông đồng, cấu kết doanh nghiệp tư nhân, cá nhân ngoài xã hội thực hiện hành vi làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, làm trái các nguyên tắc tài chính, kế toán để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Tội phạm “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ” vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực; đa số các vụ đưa và nhận hối lộ chỉ bị phát hiện khi người đưa hối lộ không đạt được mục đích hoặc bị nhũng nhiễu, ép buộc thì mới tố cáo người nhận hối lộ. Tội phạm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra nhiều trong cán bộ, nhân viên công tác tại các ban bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tình hình tham nhũng “vặt” vẫn tiếp tục xảy ra ở các lĩnh vực: thanh tra xây dựng, cán bộ quản lý đô thị, cán bộ thuế, cán bộ Hải quan đã có tác động, ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân vào các cấp chính quyền.

Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu, suy thoái về đạo đức, lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ được giao cố ý làm trái quy định, chế độ, chính sách của Nhà nước để tư lợi, làm thiệt hại, thất thoát tiền, tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận bức xúc. Công tác thanh tra, kiểm tra tuy phát hiện nhiều sai phạm nhưng phát hiện số vụ tham nhũng chưa nhiều, chưa kịp thời, chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng trong một số lĩnh vực kiểm tra, thanh tra. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp chưa chặt chẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc. Việc cụ thể hóa các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào thực tế địa phương, nhất là tại xã - phường và các doanh nghiệp, tổng công ty có vốn nhà nước còn lúng túng; mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa rõ nét, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để việc phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn.

                                                                  Nguyễn Thị Hương

                                       (Ban Nội chính Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh)

                                       

;
.