Kết thúc thanh tra chuyên đề diện rộng về đất: Kiến nghị truy thu 813,2 tỷ đồng

Thứ Ba, 10/07/2012, 16:39 [GMT+7]

Đồng ý với kiến nghị của TTCP, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của TTCP, bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp.

Nhiều khuyết điểm, vi phạm

Tổng hợp báo cáo về kết quả thanh tra chuyên đề quy hoạch và quản lý, SDĐ tại 62/63 tỉnh, thành phố, TTCP cho biết, nhiều UBND các cấp xã, phường, quận, huyện, các sở, ngành chức năng và cấp tỉnh, thành phố chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch SDĐ.

Dự án khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ tại Hải Phòng

(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nhiều địa phương không có quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Chất lượng, hiệu quả quy hoạch còn nhiều hạn chế, gây lãng phí thời gian, kinh phí thực hiện. Do đó, kết quả thực hiện hầu hết không đạt chỉ tiêu, nhiều dự án (D.A) đã và đang tồn tại dưới dạng quy hoạch treo hoặc phải thu hồi, tạm dừng để rà soát, xử lý, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân trong vùng được quy hoạch, thiệt hại kinh tế cho các tổ chức và cá nhân.

Kết luận nêu rõ, công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ từ cấp tỉnh, thành phố đến xã, phường hầu hết đều chậm về thời gian. Tính đến hết năm 2010, cấp huyện còn 11,6% và cấp xã còn 21,6% số đơn vị không lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ theo quy định. Nhiều địa phương, quy hoạch thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn; chưa thực sự được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ…

Công tác quy hoạch xây dựng, lập, thẩm định, phê duyệt còn chậm, chưa phù hợp về thời gian; chất lượng các đồ án quy hoạch chưa được các cơ quan liên quan quan tâm đúng mức; nhiều đồ án quy hoạch chi tiết có chất lượng thấp, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ; chưa đầy đủ căn cứ pháp lý…

Việc thực hiện đầu tư xây dựng, đặc biệt là tại các khu đô thị, nhà ở tập trung còn dàn trải; quy hoạch kiến trúc đô thị thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công tác quản lý thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, bất cập về cơ chế, nhiều nơi bị buông lỏng, thiếu sự phân cấp; công tác quản lý, kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ, thường xuyên, dẫn đến trình trạng vi phạm quy hoạch diễn ra phổ biến, rất khó xử lý.

UBND tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan thực hiện việc giải quyết hồ sơ thủ tục về đất đai chưa đúng thời gian quy định, thủ tục giao đất không chính xác; hầu hết các D.A có tiến độ chậm, có D.A chậm tới 5 - 7 năm nhưng chưa được xử lý theo quy định. Việc SDĐ thiếu chặt chẽ, chủ đầu tư nhiều D.A vi phạm các quy định của pháp luật, nhất là D.A kinh doanh bất động sản đã và đang diễn ra phổ biến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chuyển cơ quan điều tra 11 vụ việc

TTCP chỉ rõ, nguyên nhân là do các cơ quan chức năng và UBND các tỉnh, thành phố chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; có sự buông bỏng trong quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Sự thiếu đồng bộ, trùng lắp, thậm chí mâu thuẫn kéo dài, phức tạp giữa các Luật: Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch đô thị, nhà ở. Hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế thực hiện việc điều tiết hài hòa về lợi ích Nhà nước, người SDĐ và chủ đầu tư...

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách của Nhà nước theo hướng xác định quan hệ SDĐ phải nằm trong quy hoạch chiến lược; có mối quan hệ với các quy hoạch khác;

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phê duyệt kế hoạch SDĐ để có thể linh hoạt và chủ động trong việc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung cơ chế, quy định về công tác quy hoạch xây dựng. Điều chỉnh, bổ sung chính sách và quy định giá bồi thường nhất quán, đồng bộ đối với tất cả các D.A đầu tư xây dựng; bảng giá đất cần sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại thời điểm ban hành, được sử dụng để tính thuế SDĐ, thuế thu nhập từ chuyển quyền SDĐ, lệ phí trước bạ….

Thanh tra các địa phương kiến nghị xử lý thu hồi 16.820 ha đất, xử lý khác 292.567 ha; truy thu trên 813 tỷ đồng, xử lý khác 19,5 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Bắc Kạn, Hải Phòng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, và Thanh Hóa. Đồng thời, các đoàn thanh tra đã có những kiến nghị với chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, đơn vị liên quan đến những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm đã được phát hiện.

(Theo Báo Thanh tra)


;
.