Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng: Phải quy định việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Thứ Hai, 02/07/2012, 09:15 [GMT+7]

Tăng cường vai trò và trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng

Tổ Biên tập tập trung soạn thảo sửa đổi một số vấn đề đã được đánh giá đầy đủ qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI). Tổ Biên tập đã xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi làm việc, nơi cư trú, thời gian, thời điểm, hình thức công khai; giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền; xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không tổ chức kê khai, không báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập… Bổ sung các quy định tăng cường vai trò và trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng.

Cần quy định lại khái niệm tham nhũng

Ban Soạn thảo tập trung làm rõ những ý kiến còn khác nhau về phạm vi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; xử lý phần tăng thêm của tài sản, thu nhập mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý…

Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra, Phó Trưởng Ban Soạn thảo cho biết, do phải nội luật hóa những quy định bắt buộc của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng nên khái niệm tham nhũng cần quy định lại.

Về xử lý phần tăng thêm của tài sản, thu nhập mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho rằng, ngoài việc quy định xử lý kỷ luật đối với người kê khai không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý, còn phải quy định việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

Ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thành viên Ban Soạn thảo cũng đề nghị quy định khái niệm tham nhũng theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; đồng thời quy định rõ cơ quan đầu mối, điều phối việc xử lý đơn tố cáo tham nhũng. Ông Lê Văn Lân nhấn mạnh: “Tổ Soạn thảo đã bổ sung quy định khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng, điều này rất đúng. Nhưng quan trọng hơn là cần phải quy định việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng”.

Đồng chí Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương

về phòng chống tham nhũng phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ban Soạn thảo, cần nội luật hóa tối đa các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, nhưng cũng phải cân nhắc để phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Về việc mở rộng đối tượng kê khai, cần phải xác định lại để có khả năng thực thi như đảng viên đã nghỉ hưu thì không phải kê khai.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chuyển dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012. Theo kế hoạch làm việc của Tổ công tác sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật sẽ được hoàn thành trước ngày 5/7 và đưa lên trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi, gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp vào đầu tháng 8 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012).

P.V

(Tổng hợp)


;
.