Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thành lập mới một số đơn vị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tiếp tục Phiên họp thứ 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11-7-2013, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với việc quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người trực tiếp, gián tiếp, liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Về quy định các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm chống lãng phí, sẽ bổ sung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, lĩnh vực y tế, tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước. Đối với lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng của nhân dân tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số hoạt động sử dụng nguồn lực lớn của cộng đồng nhưng chỉ mang tính khuyến khích, động viên, khuyến cáo, bảo đảm quyền sở hữu của các chủ thể theo quy định của Hiến pháp, đồng thời giao Chính phủ quy định để tạo căn cứ cho tổ chức thực hiện.
Quang cảnh Phiên họp thứ 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Đối với các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự án Luật lần này bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như: chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc sử dụng các nguồn lực, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc công khai thêm một số lĩnh vực là cần thiết, song nên tăng cường công khai, minh bạch nhiều hơn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực, mọi vấn đề (trừ những vấn đề bí mật), nhằm tạo điều kiện để người dân theo dõi, giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Theo Tờ trình, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thành lập mới hai đơn vị gồm: Vụ Thi đua - Khen thưởng và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Đồng thời, điều chỉnh tên gọi từ “Vụ” thành “Viện” đối với các đơn vị Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự; điều chỉnh tên gọi của Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Tài chính - Hậu cần; bổ sung tên gọi Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành Cục Điều tra (Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Tại báo cáo thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị: Trong thời điểm Quốc hội đang nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới, cần cân nhắc thận trọng khi thay đổi về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp để đảm bảo tính đồng bộ trong việc thực hiện các yêu cầu cải cách tư pháp.
Mặt khác, việc điều chỉnh tên, thay đổi chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải đảm bảo không được trái với các quy định hiện hành của các luật liên quan. Việc thay đổi tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng sẽ liên quan đến việc tăng biên chế nên khi xem xét các nội dung cụ thể của Tờ trình, cần chú ý đảm bảo yêu cầu này.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc thành lập mới Vụ Thi đua Khen thưởng và Đại học Kiểm sát Hà Nội (thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và bổ sung tên gọi Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành Cục Điều tra (Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
P.V