Hội thảo "Phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hiến pháp 2013"

Thứ Hai, 29/10/2018, 15:13 [GMT+7]
    Ngày 26-10, tại Hà Nội, thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (dự án GIG) năm 2018, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về "Phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hiến pháp 2013". Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học và những người trực tiếp thi hành pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận về các vấn đề lý luận và thực tiễn phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý hành chính nhà nước cũng như thực trạng các quy định về vấn đề này. Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin trong quá trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý hành chính nhà nước (Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Chính quyền địa phương (CQĐP), Luật cán bộ công chức...). Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng phát triển kinh tế và quản trị nhà nước, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện một số cơ quan của đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành và CQĐP tại một số tỉnh miền Bắc.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận: Phân cấp, phân quyền trong quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam; các quan điểm và nguyên tắc phân cấp Trung ương- Địa phương trong bối cảnh thi hành Hiến pháp năm 2013; Các lĩnh vực phân cấp, phân quyền và giới hạn phân cấp, phân quyền của mỗi cấp CQĐP - Kinh nghiệm của Đức; Một số nội dung về phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong quản lý hành chính nhà nước...
 
    Theo PGS.TS Lê Minh Thông, phân cấp, phân quyền là những nội dung quan trọng trong cải cách bộ máy nhà nước nói chung và cải cách nền hành chính quốc gia nói riêng; hầu hết các nước phát triển trên thế giới đã trải qua và từ đó xây dựng nên chính quyền tự quản. Phân quyền bao giờ cũng được thực hiện bằng luật, trao quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm cho mỗi cấp chính quyền; phân cấp được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước với mức độ và phạm vi khác nhau để triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy nhà nước một cách linh hoạt ngoài khuôn khổ của phân quyền. Kết quả phân quyền, phân cấp ở Việt Nam thời gian qua đã tạo được nhiều nguồn lực cho sự phát triển của địa phương; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Tình trạng phân tán, tùy tiện, cát cứ trong ban hành và thực hiện các quyết định về quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; không ít địa phương ban hành và thực hiện các quyết định về đầu tư công tràn lan, gây lãng phí ngân sách nhà nước; các quy trình, thủ tục cung ứng dịch vụ công chưa được công khai, minh bạch, thiếu rõ ràng; quyền hạn của các cấp chính quyền được giao nhưng chưa thật sự gắn với trách nhiệm và nguồn lực, do vậy không ít địa phương lúng túng trong thực hiện.
 
    Đồng tình với các quan điểm trên, các đại biểu đến từ CQĐP một số tỉnh phía Bắc đã cho rằng, trong văn bản pháp luật còn có những quy định khác nhau dẫn đến cách hiểu không thống nhất khi thực hiện nội dung phân cấp của CQĐP, nhất là thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh; việc ủy quyền cho các Sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh. Vẫn còn vướng mắc khi thực hiện phân cấp, phân quyền trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; trong lĩnh vực hộ tịch, công chứng, quản lý đấu giá tài sản...
 
    Đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, một số đại biểu đã cho rằng, việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương tới đây cần xác lập đầy đủ cơ sở pháp lý để tạo bước chuyển căn bản và mạnh mẽ về phân quyền hợp lý giữa các chính quyền trên các lĩnh vực quản lý; về lâu dài cần chuyển từ phân cấp sang từng bước, tiến tới chủ yếu là phân quyền. Các Bộ cần có các biện pháp hỗ trợ địa phương trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, phân cấp; có bộ phận tiếp nhận, giải đáp kịp thời, cụ thể những vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật của Trung ương.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)

 

.