Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Thứ Tư, 27/09/2017, 18:04 [GMT+7]
    Chiều 26-9, tại Nha Trang, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). 
 
    Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội còn có ý kiến với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Do vậy, Ban soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý nhằm hoàn thiện dự thảo. Theo đó, dự thảo Luật mới đây nhất gồm 9 chương, 71 Điều. Các nội dung đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: Làm rõ phạm vi điều chỉnh; quy định rõ các hình thức tố cáo, nhất là thông qua thư điện tử, fax, điện thoại; không xem xét việc giải quyết tố cáo nặc danh nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo; bổ sung quy định về thời hiệu tố cáo (5 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm); quy định về rút tố cáo chặt chẽ hơn theo hướng có thể rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo trước khi có kết luận nội dung tố cáo, trường hợp rút tố cáo mà xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý thì tố cáo vẫn được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; quy định về điểm dừng trong giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Tại Hội nghị, một số ý kiến tán thành với việc mở rộng các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại; đề nghị bổ sung chủ thể có quyền tố cáo không chỉ bao gồm cá nhân mà còn cả tổ chức; cân nhắc quy định "không thụ lý đối với đơn nặc danh". Ông Lê Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng "Xuất phát từ thực tế là người tố cáo sợ bị trả thù, trù dập nên không dám ghi tên, địa chỉ trong đơn tố cáo. Nhưng nếu đơn nặc danh có chứng cứ rõ ràng, tài liệu xác thực mà không thụ lý thì cũng nên cân nhắc". Ông cũng đặt câu hỏi: "Nếu đơn nặc danh chuyển đến cơ quan, tổ chức nào đó mà họ tiếp nhận và thấy có tài liệu, chứng cứ xác đáng và làm văn bản chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì đơn đó có được coi là nặc danh nữa không?" Do đó, ông cho rằng, không nên phủ nhận cứng nhắc đối với đơn nặc danh vì nó tồn tại như một tất yếu khách quan thì việc giải quyết phải linh hoạt trên thực tế.
 
    Ông Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị phải quy định "gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo" là nghĩa vụ của người tố cáo, không phải quyền như trong dự thảo Luật để tăng cường trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế tình trạng gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan. 
 
    Đối với vấn đề thời hiệu tố cáo, có ý kiến đề nghị kéo dài thời hiệu tố cáo từ 7-10 năm, có ý kiến đề nghị quy định đối với những hành vi vi phạm vẫn đang tiếp diễn thì không áp dụng thời hiệu tố cáo để không bỏ lọt hành vi vi phạm, thậm chí có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hiệu tố cáo trong dự thảo Luật.
 
    Ngoài những vấn đề trên, có ý kiến đề nghị quy định cho phép người dân được quyền khởi kiện ra tòa án nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tố cáo lần 2. Quy định đối tượng được bảo vệ không chỉ là người tố cáo mà còn bao gồm vợ, con của người tố cáo. Hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo nên quy định chung là tố cáo sai sự thật, không quy định lỗi cố ý hay vô ý. Xác định lại các điều kiện để thụ lý đơn tố cáo, nhất là cơ sở tố cáo (có điều kiện để kiểm tra xác minh hay không)...
Nguyễn Phương Thảo
;
.